Trước thềm Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, các Diễn giả trong và ngoài nước đã có nhiều góp ý nhằm xây dựng chủ trương, chính sách và các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội nghị, theo TS. Arkebe Oqubay, Bộ trưởng – cố vấn đặc biệt cho Thủ tướng Ethiopia, chuyển đổi số trở nên quan trọng trong hoạch định chính sách công nghiệp. Chuyển đổi kỹ thuật số trở thành nội dung hàng đầu trong Chương trình nghị sự về Công nghiệp hóa (CNH), ở tất cả các nước phát triển và đang phát triển.
CNH cần coi chuyển đổi số là một bộ phận cấu thành trong chuyển đổi nền kinh tế, và kết nối với nhau trong sự phát triển của nền kinh tế số, xã hội số và cả trong việc học hỏi về công nghệ, nâng cấp về mặt công nghiệp.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam cần khai thác các ngành công nghiệp mới, tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tới đặc biệt tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ ứng dụng sinh học để chuyển đổi ngành y tế, và nông nghiệp tạo ra sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Bên cạnh đó, Ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia chia sẻ: "Covid-19 đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhưng trước tiên, chính dịch bệnh khiến chúng ta nhận ra chúng ta dễ bị tổn thương như thế nào trước biến cố của tự nhiên, và nó giúp chúng ta học được nhiều điều, trong đó nổi bật nhất là việc đẩy nhanh tiến trình số hóa.
Chúng ta được cải thiện và thay đổi rất nhiều trong cách sử dụng kỹ thuật số để giao tiếp với nhau, vận hành công việc, cũng như làm được rất nhiều thứ mà chúng ta phải làm tận tay".
Bà Camilla Holbech, Tham tán Năng lượng, Điện gió ngoài khơi, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu: "Một điểm rất quan trọng, đó là xây dựng thị trường giá phù hợp đối với năng lượng tái tạo và năng lượng tái tạo phải phù hợp với thị trường.
Việt Nam đã đặt mục tiêu hướng tới phát triển công nghiệp 4.0, chúng tôi mong muốn hợp tác với Việt Nam, để giúp Việt Nam tăng tốc để có thể trở thành con tàu tốc độ cao thực sự trong quá trình phát triển kinh tế và năng lượng xanh, sạch của mình".
Ngoài ra, Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho rằng: "Đối với Việt Nam, thương mại quốc tế như một yếu tố đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế, các khoản đầu tư kỹ thuật số này tại Việt Nam rất quan trọng, để thu hút đầu tư, trở thành trung tâm sản xuất, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện và dài hạn.
Một môi trường pháp lý, và năng lực thể chế được nâng cao là yếu tố quan trọng, không chỉ để huy động các nguồn lực để cải thiện, kết nối hạ tầng cơ sở số, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận, và quản lý những lợi thế và rủi ro liên quan đến công nghệ mới và chuyển đổi số".
Cuối cùng, PGS.TS. Vũ Hải Quân – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến, để chuyển đổi số lao động hiện tại, tạo nguồn cung lao động phù hợp với nhu cầu tương lai, là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục.
Việt Nam cần làm hai nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, phải có được nghiên cứu dự báo, đến năm 2025, 2030, 2045 với mục tiêu của Đảng đặt ra về phát triển kinh tế số thì cần bao nhiêu nhân lực kinh tế số, kỹ năng đến mức nào.
Thứ hai, cần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho nền kinh tế số.