Viễn cảnh đáng sợ không ai mong muốn rằng Covid-19 sẽ trở thành đại dịch đầu tiên gây ra những hậu quả tồi tệ cho thế giới trong thời đại toàn cầu hóa đang làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định của kinh tế toàn cầu.
Với số người thiệt mạng đã lên đến gần 3.000 và hơn 80.000 ca nhiễm chính thức được xác nhận trên toàn cầu, cộng thêm dịch bệnh có dấu hiệu bùng nổ ở Hàn Quốc và Italy, một số chuyên gia kinh tế đang bắt đầu thận trọng tính toán kịch bản xấu nhất có ý nghĩa như thế nào đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.
Theo các chuyên gia của Oxford Economics, 1 cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu có thể thổi bay hơn 1.000 tỷ USD khỏi GDP toàn cầu. Đó sẽ là "cái giá phải trả" khi nhiều người lao động phải nghỉ làm, năng suất sụt giảm, ngành du lịch bị tổn thất nặng nề, các chuỗi cung ứng gián đoạn và hoạt động thương mại cũng như đầu tư co hẹp đáng kể. Trong kịch bản được miêu tả là "cú sốc ngắn nhưng rất mạnh giáng lên kinh tế toàn cầu", cả Mỹ và eurozone sẽ suy thoái trong nửa đầu năm 2020.
Tâm trạng bất an đã được thể hiện rõ ràng trên TTCK, với các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm hơn 3% trong phiên hôm qua. S&P 500 có phiên lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 2/2018.
Ở thời điểm hiện tại, các NHTW và các chính phủ vẫn đang tiếp tục đặt cược rằng dịch bệnh sẽ không gây ra tổn thất lớn cho kinh tế toàn cầu, và có lẽ khi dịch bệnh qua đi thì thế giới sẽ nhanh chóng hồi phục. Nhưng niềm tin đó đang đứng trước thử thách cực lớn.
Mặc dù trong báo cáo mới nhất IMF chỉ hạ 0,1% đối với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, xuống còn 3,3%, chuyên gia kinh tế trưởng Gita Gopinath trong bài phỏng vấn với Yahoo Finance đã thừa nhận rằng nếu WHO tuyên bố đây là đại dịch, thế giới sẽ phải đối mặt với những kịch bản "thực sự tàn khốc".
Với việc các nhà máy ở Trung Quốc chưa thể hoạt động trở lại và xuất hiện những ổ dịch mới rất đáng lo ngại ở Hàn Quốc, Iran và "trái tim công nghiệp" của Italy, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục bị gián đoạn trong thời gian tới. Virus đang đe dọa sẽ đẩy kinh tế Italy vào suy thoái – điều chắn chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới phần còn lại của châu Âu.
Trong khi đó niềm tin tiêu dùng của Hàn Quốc vừa có tháng giảm mạnh nhất 5 năm.
Chủ tịch UBS Group Axel Weber tỏ ra bi quan hơn nhiều so với IMF. Ông cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sụt giảm mạnh từ 3,5% xuống chỉ còn 0,5%, thậm chí kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái trong quý I.
Đánh giá rủi ro từ virus corona là việc không hề dễ dàng bởi rất khó để xác định dịch bệnh sẽ lây lan rộng tới đâu. Trong 1 báo cáo được thực hiện từ năm 2015, World Bank dự đoán đại dịch sẽ phá hủy khoảng 1% GDP toàn cầu. 1 cuộc khủng hoảng y tế tương tự như dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (đã giết chết 50 triệu người) có thể khiến GDP toàn cầu giảm 5%.
1 báo cáo khác từ tháng 3/2016 có đồng tác giả là cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định tác động tài chính của đại dịch cúm sẽ giống như những thiệt hại hàng năm mà tình trạng trái đất nóng lên gây ra trong dài hạn.
Ngoài chuyện khống chế dịch bệnh, có một yếu tố mà các chuyên gia kinh tế vẫn chưa thể xác định rõ ràng trong khi triển khai mô hình dự đoán: phản ứng hỗ trợ của các chính phủ và các NHTW. Tuy nhiên, theo Drew Matus – chiến lược gia trưởng của MetLife Investment Management, chỉ riêng chính sách tiền tệ sẽ là không đủ.
"Tôi đoán là chúng ta không thể giải quyết chỉ với công cụ lãi suất. Mọi người đều lo lắng về sức khỏe của bản thân và gia đình, và 25 điểm cơ bản sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc khuyến khích người dân ra ngoài mua sắm", ông phát biểu trên Bloomberg Television.
Tham khảo Bloomberg