Bóng ma “Đại suy thoái”
Những gì Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ đang khiến người dân Mỹ nhớ lại giai đoạn đói khổ của cuộc Đại suy thoái 1937 khi hàng đoàn xe xếp thành hàng dài trước các siêu thị và cửa hàng tạp hóa, công nhân thất nghiệp nối đuôi nhau đi nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, bệnh nhân mòn mỏi chờ đợi qua đêm bên ngoài bệnh viện để được xét nghiệm...
Những hình ảnh hào nhoáng của ước Mỹ vỡ vụn trong đại dịch Covid-19. Ảnh: AP
Chỉ khác một chút là vào thời điểm năm 1937, phía sau những hàng dài mệt mỏi chờ tới lượt cứu trợ là những tấm biển lớn ca ngợi sự “hào nhoáng kiểu Mỹ” với 2 khẩu hiệu cực kỳ ấn tượng "World’s highest standard of living" (tạm dịch: Tiêu chuẩn sống cao nhất thế giới) và "There’s no way like the American Way" (tạm dịch: Không một phong cách nào giống như phong cách Mỹ).
Nền kinh tế Mỹ, vốn được ca ngợi vì những thành công đầy ấn tượng trong nhiều năm qua, bất ngờ trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi những nhu cầu cơ bản nhất như thực phẩm, nơi ở, chăm sóc y tế không còn được đảm bảo như trước. Vài ngày trước, Bộ Lao động Mỹ công bố thông tin rất ảm đạm: Suốt 4 tuần qua, đã có 22 triệu người mất việc, bằng tổng số việc làm mới được tạo ra trong 9 năm rưỡi trước khi Covid-19 xuất hiện.
Không khó để nhận thấy, sự bùng phát của đại dịch đang khiến những lỗ hổng sâu sắc, lâu dài trong hệ thống kinh tế Mỹ ngày càng bộc lộ rõ rệt. Nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Stiglitz bình luận: “Nền kinh tế Mỹ không có khả năng hấp thụ được các cú sốc. Chúng ta chỉ chăm chăm tối ưu hóa lợi nhuận trong khi điều đó đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ tăng cao và Mỹ sẽ khó phục hồi hơn sau mỗi đợt khủng hoảng”.
Trước đại dịch, kinh tế Mỹ đã “chia đôi ngả” khi một mặt, chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nửa thế kỷ, thị trường chứng khoán tăng mạnh cùng quãng thời gian tăng trưởng kéo dài kỷ lục. Mặt khác, dù GDP tăng trưởng trong nhiều năm nhưng người lao động vẫn phải “giật gấu vá vai” để mưu sinh qua ngày. Theo thống kê, có tới 4 trên 10 người lao động Mỹ không đủ khả năng chi trả 400USD cho các chi phí phát sinh đột xuất.
Không chỉ “phá nát” cuộc sống của tầng lớp lao động nghèo khổ, Covid-19 còn tấn công trực diện vào tầng lớp trung lưu khiến cho cuộc sống của họ ngày càng bấp bênh. Những người này giờ phải sống trong triền miên lo lắng vì tương lai bất định ngay cả cho con cháu họ. Kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục nhưng cả hai tầng lớp chiếm số đông trong xã hội Mỹ nói trên “chỉ được hưởng mẩu bánh nhỏ cho cả miếng bánh lớn”.
Một nghiên cứu do McKinsey Global Institute tiến hành năm 2019, chỉ chưa đầy 20 năm, tiền lương và lợi ích ở khu vực tư nhân đã giảm 5,4 điểm phần trăm, tức khoảng 3.000 USD/năm, nếu tính cả mức lạm phát tương ứng. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đánh giá: “Việc tăng lương cho những người lao động chưa đủ để họ trang trải nhu cầu tối thiểu”.
Đoàn người xếp hàng dài chờ cứu trợ xã hội năm 1937 đứng trước tấm biển lớn ca ngợ "lối sống Mỹ". Ảnh:Getty Images |
Sự sụp đổ của hệ thống an sinh xã hội
Trong khi đó, theo Peterson-Kaiser Health System Tracker – tổ chức chuyên về theo dõi hệ thống y tế công - những người lao động tại các tập đoàn lớn lại phải chi trả số tiền chăm sóc y tế tăng lên chóng mặt so với khoản tiền lương tăng thêm ít ỏi của họ trong 10 năm qua. Ngoài ra, tiền thuê nhà của họ cũng tăng mạnh, nhiều người phải chi tới 50% thu nhập cho khoản tiền này.
“Rất nhiều đối tượng vốn đang sống rất bấp bênh giờ lại bị Covid-19 đẩy ra rìa xã hội. Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới có những người bị đẩy ra rìa xã hội mà không nhận được sự hỗ trợ cần thiết từ mạng lưới an sinh xã hội”, nhà kinh tế học Stiglitz nói.
Cũng theo ông Stiglitz, các tập đoàn và công ty ở Mỹ cũng có lỗi khi chỉ tập trung vào những chiến lược phát triển ngắn hạn. Cụ thể, một số hãng hàng không của Mỹ khi nhận được hỗ trợ từ Chính phủ thay vì đầu tư vào nhân sự hoặc trích lập quỹ dự phòng cho các tình huống khẩn cấp lại tiếp tục đổ tiền mua lại cổ phiếu của họ vì mục đích gia tăng lợi nhuận trước mắt. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các tập đoàn, công ty không còn cách nào khác là sa thải hàng triệu nhân viên cũng như cắt giảm bảo hiểm y tế của họ.
Một cuộc khảo sát gần đây của SurveyMonkey và Apartment List, cho thấy 25% người thuê nhà chỉ đủ khả năng chi trả một phần hoặc thậm chí là không thể trả nổi tiền thuê nhà của họ trong tháng 4.
“Đây là con số hết sức đáng báo động”, ông Igor Popov, chuyên gia kinh tế tại Apartment List, đánh giá: “Thông thường, nếu kinh tế suy thoái, thu nhập bị ảnh hưởng, nhiều gia đình chọn cách thu hẹp diện tích thuê hoặc chuyển đến cùng nhau để giảm chi phí. Nhưng trong dịch Covid-19, điều này gần như là bất khả thi bởi các lệnh giãn cách xã hội", ông Igor Popov giải thích.
Khó khăn càng thêm chồng chất với những người vốn đã phải rất vất vả để mưu sinh. Trước khi đại dịch bùng phát, Destination: Home, một tổ chức phi lợi nhuận ở Thung lũng Silicon có kế hoạch hỗ trợ tài chính 7 triệu USD cho khoảng 1.000 gia đình.
Vào tháng 3/2020, tổ chức này đã huy động thêm 11 triệu USD để cứu trợ Covid-19 nhưng đã ngập trong đơn đăng ký. Danh sách chờ hiện tại đã có gần 10.000 người và đang tăng lên mỗi ngày. "Không có gì mà tôi không từng trải qua khi nói đến tình trạng vô gia cư", bà Jennifer Loving, CEO Destination: Home chia sẻ: “Nhưng đây vẫn là một thông tin thảm khốc không thể tin nổi”./.