Công ty TNHH du lịch Sài Gòn Hòn Ngọc của ông Lê Diệp Thanh Tùng từng có 5 chi nhánh ở đủ 3 miền với hơn 60 nhân viên. Sau hơn một năm chống chịu Covid, ông Tùng chỉ còn giữ được 2 chi nhánh ở TP HCM và Ninh Thuận, với số nhân viên bằng phân nửa.
Sau quý I/2021 “gần như trắng tay”, hy vọng nhen nhóm khi nhu cầu du lịch của khách hàng tăng trưởng mạnh trước dịp lễ 30/4-1/5. “Chúng tôi cũng dồn lực để bán tour, ứng tiền để có vé máy bay, phòng khách sạn tranh thủ từng ngày của thời điểm dịch được kiểm soát. Nhưng mọi kế hoạch chuẩn bị đã nhanh chóng vỡ trận khi chỉ còn 3 ngày nữa là đến dịp nghỉ lễ lớn nhất năm và bắt đầu mùa hè. Đợt dịch thứ tư bùng phát”, ông Tùng kể.
Ông Lê Diệp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Sài Gòn Hòn Ngọc.
Hệ quả là doanh số quý II của công ty chỉ bằng 20% so với kế hoạch, không đủ để trang trải chi phí. “Đóng cửa thì dễ hơn so với cầm cự. Nhưng nếu mình đóng cửa sau đó hết dịch mới mở thì mất uy tín, bản thân mình không can tâm”, vị lãnh đạo này bày tỏ. Để giữ cho công ty tiếp tục “sống”, ông Tùng phải lấy tiền tích lũy của gia đình để trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và trả lương cho nhân viên. Nhưng nguồn lực của cá nhân thì cũng có hạn, nên ông chủ này thừa nhận “doanh nghiệp cũng có thể chết bất cứ lúc nào”.
Ngoài vai trò là người đứng đầu doanh nghiêp du lịch, lữ hành, ông Tùng còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ninh Thuận. Ông cho biết việc không có doanh thu hoặc doanh thu giảm nhiều lần là điểm chung, đa số doanh nghiệp lữ hành tại đây đã đóng cửa.
Nhìn một cách tổng quan, ngành du lịch, nhà hàng và khách sạn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trước làn sóng dịch Covid-19. Hiệp hội du lịch Việt Nam thống kê có đến 90% doanh nghiệp không hoạt động và khoảng 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động. Doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho nghỉ việc 60-90% nhân sự nghỉ không lương.
|
Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết nhu cầu dịch vụ vận tải hàng không năm qua giảm từ 34,5% đến 65,9%, doanh thu ngành giảm khoảng 61% so với 2019. |
Cùng với du lịch, hàng không cũng lao đao trong hơn một năm qua, nguy cơ phá sản thậm chí đã cận kề nhiều doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho biết nhu cầu dịch vụ vận tải hàng không năm qua giảm từ 34,5% đến 65,9%, doanh thu ngành giảm khoảng 61% so với 2019. Dịch bùng phát đầu năm và gần đây khiến doanh thu nghiệp hàng không tiếp tục giảm mạnh, khả năng thanh toán suy giảm và tiến sát giới hạn mất khả năng thanh toán. Vietnam Airlines dự kiến 6 tháng đầu năm có thể lỗ tới 10.000 tỷ đồng, số nợ phải trả quá hạn là 6.240 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn, bên bờ vực phá sản. Các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airlines và Vietjet cũng đang dần hết nguồn lực về tài chính. Vietjet ước tính thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Trước tình trạng vắng khách, doanh nghiệp hàng không cũng đã tìm cách chuyển hướng nâng tỷ trọng mảng vận tải hàng hóa (cargo) để vượt dịch, đảm bảo hàng hóa lưu thông trong nước và xuất khẩu. Như mới đây, lần đầu tiên Vietnam Airlines bố trí một siêu máy bay như Boeing 787-9 để chở vải thiều từ Hà Nội vào TP HCM. Hãng hàng không cũng đã lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa. Hay Vietjet bắt tay cùng Tập đoàn UPS cải thiện mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là Việt Nam và Thái Lan). Bamboo Airways nuôi tham vọng phát triển mảng vận chuyển hàng hóa với kế hoạch phát triển Bamboo Airways Cargo. Tuy vậy, nhìn chung đây vẫn chỉ là các giải pháp tình thế.
Lĩnh vực du lịch theo đánh giá của Tổng cục Thống kê nhìn chung gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng, chống dịch. Kết quả tăng trưởng của khu vực này 6 tháng đầu năm chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của năm ngoái và thấp nhất trong cả giai đoạn 2011-2021.
|
Bên cạnh đó, khu vực xây dựng công nghiệp và xây dựng dù ghi nhận mức tăng trưởng ở mức hai con số (10,28%) nhưng tốc độ tăng của ngành công nghiệp chế biến - động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế đang có xu hướng chậm lại. Nếu như tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,4%, thì đến tháng 5 và tháng 6 con số này đã lần lượt giảm xuống còn 11,4% và 8,1%.
Sự khó khăn của khu vực này còn thể hiện ở kết quả khảo sát chỉ số PMI của IHS Markit vừa công bố ghi nhận mức giảm từ 53,1 của tháng 5 xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6, kết thúc chuỗi tăng trong 6 tháng liên tiếp trước đó. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 13 tháng. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đợt bùng phát đầu tiên của đại dịch vào đầu năm 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm theo Tổng cục Thống kê đạt 75,2% dù thấp hơn so với năm ngoái (81,5%) nhưng một số ngành ghi nhận tỷ lệ tồn kho đều dao động trong mức 100-125%. Có thể kể đến như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; dệt; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn và sản xuất thiết bị điện.
Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp ngành khai khoáng có số lượng giảm mạnh nhất, ở mức 2,5% so với cùng thời điểm năm trước, tiếp đến là ngành chế biến, chế tạo giảm 1% và hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 0,4%.
Những dấu hiệu tiêu cực do dịch Covid-19 tác động lên những cực tăng trưởng, các khu vực kinh tế trong thời gian dài với tuần suất nhiều và quy mô lớn hơn dẫn đến 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 35.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7% và 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%.
Nhìn một cách toàn diện sau nhiều làn sóng dịch Covid-19, hơn 87% doanh nghiệp trên toàn quốc đã bị ảnh hưởng lớn và tiêu cực (chủ yếu là các doanh nghiệp dưới 3 năm hoạt động, có quy mô siêu nhỏ và nhỏ), theo báo cáo tác động dịch bệnh Covid-19 đối với cộng đồng doanh nghiệp do VCCI phối hợp với WB thực hiện. Đáng nói, cũng có tới 84% doanh nghiệp tư nhân và 85% doanh nghiệp FDI có trên 20 năm hoạt động nằm trong số bị ảnh hưởng này.
Dịch Covid-19 kéo dài đã bào mòn ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp, tiềm lực và sức chống chịu đã tới hạn. |
Dịch xuất hiện khiến doanh nghiệp khó tiếp cận khách hàng, dòng tiền và người lao động bị ảnh hưởng do những quyết định cắt giảm để thu hẹp quy mô. Tiếp đến, chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp đã bị gián đoạn. Một số doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng ở những khía cạnh khác như giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Doanh nghiệp cũng bị phát sinh thêm chi phí phòng ngừa dịch Covid-19. Không ít doanh nghiệp gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Nhiều đơn vị cho biết họ bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.
Như vậy, dịch Covid-19 kéo dài đã bào mòn ‘sức khỏe’ của doanh nghiệp, tiềm lực và sức chống chịu đã tới hạn. Doanh nghiệp đang cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa và cần có giải pháp để các chính sách hỗ trợ đi nhanh hơn vào cuộc sống. TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng về lâu dài, chính sách về thể chế rất quan trọng đối với quá trình phục hồi của doanh nghiệp hậu dịch Covid-19. Theo đó, môi trường kinh doanh kinh doanh cần có những cải cách mạnh mẽ, thủ tục hành chính phải thiết kế theo tinh thần mới dễ dàng hơn, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kịch bản diễn biến của thị trường cần phải được xây dựng để giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong mọi tình huống nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, ghi nhận phản ánh của cộng đồng cho thấy cùng với việc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ đã được ban hành, doanh nghiệp còn kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành và chính quyền địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về chính sách hỗ trợ, đơn giản hóa các tiêu chí và điều kiện tiếp cận.