Số lượng và giá cả nông sản về chợ đầu mối Thủ Đức sụt giảm do sức mua yếu đi do bị tác động bởi Covid-19. Ảnh: N.V
Nhộn nhịp xuống giống vụ mới
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Công ty Sản xuất rau an toàn Tân Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) thông tin, khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học đóng cửa, nhiều nhà máy ngừng hoạt động, các cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp cũng phải tạm hoãn. Do đó, lượng tiêu thụ rau xanh các loại đã giảm mạnh. Doanh nghiệp này phải giảm 40 - 50% sản lượng gieo trồng.
Ông Hoàng thông tin, không chỉ các mối tiêu thụ rau sỉ, lượng rau bán ra tại các chợ cũng ít đi. Trồng mà không bán được thì phải nhổ bỏ nên bà con nông dân tự chủ động giảm sản lượng gieo trồng. Gần một tuần nay, trước khi hết lệnh cách ly, nhiều bà con trồng rau cung cấp cho công ty đã tiến hành gieo trồng vụ mới, hy vọng có thể khôi phục sản xuất ngay sau khi dịch bệnh lắng xuống.
Rau củ quả là các loại nông sản ngắn ngày, một số loại có thể cho thu hoạch sau 45-50 ngày. Trong khi đó, tuần qua, giá rau củ các loại đều tăng khoảng 5.000-7.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn bắt đầu xuống giống vụ mới.
Cụ thể như, giá cà chua, dưa leo hiện nay đã ở mức 35.000 đồng/kg, cải xanh, bầu bí có giá 30.000 đồng/kg, cải ngọt 27.000-30.000 đồng/kg, ngò rí 55.000 đồng/kg…
“Suốt những ngày cách ly, tiêu thụ rau giảm nhưng mình cũng phải ráng tìm cách hỗ trợ bà con nông dân, san sẻ với nhau để không ai bị mất việc làm, mất thu nhập. Giờ hết cách ly hy vọng giá rau tăng, bà con có lời tí xíu để trang trải cuộc sống”, ông Hoàng chia sẻ.
Gần một tuần nay, nhiều nông dân trồng rau ở TP.HCM đã tiến hành gieo trồng vụ mới
Ông Lê Văn Cường - Giám đốc Công ty DalatGAP (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, lượng rau cung cấp cho kênh nhà hàng khách sạn đã phải cắt giảm gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể hy vọng kênh tiêu thụ này khởi động lại sớm sau khi hết lệnh cách ly. Vì theo ông Cường, nhà hàng, khách sạn sẽ chỉ có khách khi ngành du lịch và các hoạt động khác như hội nghị, đám tiệc… được tổ chức rộng rãi.
Do đó, dự báo có thể phải hơn 1 tháng nữa, DalatGAP mới quay trở lại cung cấp rau cho các nhà hàng, khách sạn được. Hiện, công ty cũng đã bắt đầu gieo trồng vụ mới nhằm chuẩn bị hàng hóa cho thị trường thời gian tới.
Cũng theo ông Cường, dù kênh nhà hàng, khách sạn bị giảm mạnh nhưng ngược lại, lượng rau củ tiêu thụ tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ có chiều hướng tăng. Một số siêu thị như Lotte Mart, An Nam… có doanh số tăng khá. Dẫu vậy, tổng doanh thu của doanh nghiệp này cũng đã giảm hơn 50% trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành.
“Công ty đã chủ động giảm sản lượng gieo trồng hơn 50%, hệ quả kéo theo đó là đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên… phải giảm giờ làm, giảm thu nhập. Nhưng đây là tình hình chung, đành phải chấp nhận”, ông Cường chia sẻ.
Đã có đơn hàng xuất khẩu rau củ
Dù tình hình dịch bệnh đã có phần tạm lắng, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tình hình kinh doanh, buôn bán tại nhiều chợ đầu mối, chợ lẻ vẫn trong tình trạng ế ẩm. Khách hàng thưa thớt nên một số chợ đã phải, đóng cửa sớm, giảm thời gian hoạt động.
Điểm sáng hiện nay là một số doanh nghiệp đã có thể xuất khẩu rau đông lạnh sang các thị trường như Hàn Quốc, EU…
Ông Lê Văn Cường của DalatGAP cho rằng, khó hy vọng sẽ có được sức bật mạnh mẽ từ thị trường tiêu thụ ngay sau khi hết lệnh cách ly. Tuy nhiên, điều đáng chú ý đối với ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng hiện tại là các đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu được triển khai trở lại. Một số tàu hàng xuất khẩu rau cấp đông sang Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đã khởi hành.
Ông Cường cho rằng, hy vọng qua tháng 5, các hoạt động xuất nhập khẩu rau đông lạnh có thể hoạt động trở lại bình thường. Trong khi đó, xuất khẩu rau tươi sang Hàn Quốc thì phải đợi sang khoảng tháng 6, 7 mới có thể phục hồi một phần.
Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc bộ phận kinh doanh tiếp thị, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM) cũng thông tin, lượng thực phẩm cung ứng về chợ vẫn đủ sức phục vụ cho nhu cầu của thành phố và các tỉnh thành lân cận nhưng mãi lực giảm. Năm 2019, trung bình mỗi ngày chợ nhập về 3.500 tấn rau củ quả các loại thì nay chỉ còn 3.000-3.100 tấn. Giá nhiều loại nông sản cũng giảm theo.
Tuần qua, giá rau củ các loại đều tăng giá trở lại
Cùng với đó, lượng khách hàng đến chợ liên tục giảm nên từ đầu tuần qua, ban quản lý chợ liên tục phát thanh thông tin về việc giảm thời gian hoạt động của chợ. Cụ thể, từ ngày 22/4, phiên chợ sáng thay vì hoạt động đến 10h như thường lệ, nay sẽ đóng cửa sớm trước 30 phút.
Ông TSàn A Sìn - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền (quận 8, TP.HCM) cũng thông tin, lượng hàng về chợ những tháng qua đã giảm 50 - 60% so với ngày thường. Cái khó của tiểu thương ở chợ là trong khi lượng khách giảm thì nhiều mặt hàng như thịt heo, thịt gà vẫn tăng giá mạnh nên càng “kén” người mua.
Ông Sìn cho rằng, dù qua ngày 22/4, TP.HCM hết thực hiện giãn cách xã hội, tuy vậy, các thương nhân ở chợ Bình Điền vẫn chưa dám tăng lượng hàng về chợ. Thay vào đó, sẽ còn phải theo dõi tín hiệu từ thị trường, chờ đợi nhu cầu tiêu thụ tăng dần dần thì mới tăng lượng hàng nhập về.
“Sẽ không thể khôi phục lượng hàng về mức bình thường như trước khi có dịch ngay sau khi TP hết lệnh giãn cách xã hội. Dù vậy, các cơ sở giáo dục, nhà máy xí nghiệp được hoạt động trở lại sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao hơn”, ông Sìn đánh giá.