Theo các chuyên gia kinh tế, đây là một trong những chính sách rất thiết thực nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho DN giảm khó khăn, đặc biệt giảm thiểu tình trạng sa thải lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang vắt kiệt sức của DN, khiến nhiều DN rơi vào tình trạng đóng cửa, thậm chí phá sản.
Ngay lúc này, rất cần các gói tài chính để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. (Ảnh: IT)
Tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC?
Ngay sau khi có chỉ đạo từ Thủ tướng, ngày 31/3, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo văn bản này, Thống đốc yêu cầu các đơn vị tại NHNN Trung ương thường xuyên nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế; chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường… Cho vay tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) để thực hiện các chương trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu dưới các hình thức tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá và các hình thức tái cấp vốn khác theo quy định.
Liên quan đến chỉ thị này, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo một số NHTM cho hay, theo quy định của pháp luật hiện hành, cho vay tái cấp vốn hình thành trên cơ chế NHNN cho các TCTD vay trên cơ sở bù đắp thiếu hụt trong thanh toán để đáp ứng nhu cầu về vốn cho các TCTD để cung ứng vốn cho khách hàng, tạo ra kênh cung ứng vốn tín dụng có sự kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, đối với trường hợp đặc biệt là cho vay tái cấp vốn theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ như trên, xuất phát từ nhu cầu cấp bách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã tung gói hỗ trợ trị giá 285.000 tỷ đồng, gồm 250.000 tỷ đồng hỗ trợ tín dụng nhằm khoanh, giãn nợ vay cho các DN chịu tác động của dịch Covid-19; và gói tài khóa 35.000 tỷ đồng hỗ trợ giãn, hoãn nộp thuế cho DN. Gói hỗ trợ tài khóa này sau đó được Bộ Tài chính đề xuất tăng lên trên 80.000 tỷ đồng. |
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, với chỉ đạo nói trên của Chính phủ, thì NHNN sẽ cho các TCTD vay tái cấp vốn với lãi suất 0%, sau đó các TCTD sẽ cho vay đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chương trình hỗ trợ tín dụng này cũng đã được một số quốc gia trên thế giới áp dụng, nhưng lãi suất của các quốc gia này đang ở mức rất thấp, thậm chí lãi suất âm. Trong khi đối với Việt Nam, mặt bằng lãi suất và lạm phát cao hơn nhiều, nên phải cân nhắc thận trọng hơn.
“Lãi suất hỗ trợ bằng 1/3, thậm chí bằng 1/2 mức lãi vay bình thường cũng là một hướng tích cực”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, thì cho rằng, trong bối cảnh hiện nay thì phải “bơm” tiền trực tiếp đến cho người dân, cho DN. Giải pháp cho DN vay không lãi là rất tốt, nhưng phải có một thời gian ân hạn, nghĩa là không có trả gốc ít nhất là cho tới cuối năm nay. Sau khi DN phục hồi rồi thì sẽ có chương trình trả nợ cho Chính phủ.
“Vấn đề hiện tại của cả nền kinh tế, các DN, kể cả ngân hàng… là vấn đề thanh khoản, tức là khả năng chi trả. Đó có thể là trả tiền thuê mặt bằng, trả tiền cho người lao động, trả tất cả chi phí hoạt động, kể cả trả nợ ngân hàng và thuế. Trước những gánh nặng như thế, thì phải bơm thẳng tiền vào cho họ, giúp họ có tính thanh khoản, tức là còn giữ được khả năng trả nợ. Nếu DN họ mất thanh khoản thì sẽ chết ngay, bị đào thải và đi đến phá sản”, ông Hiếu nói.
Ở một góc độ khác, Phó Giám đốc một NHTM tại TP.HCM đặt vấn đề, theo quyết định được ban hành mới đây, NHNN đã hạ lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống còn 5%/năm. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cấp vốn xuống 0%, thì 5% kia sẽ được bù trừ thế nào?
“Có lẽ vấn đề này sẽ được các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH cùng Ngân hàng Nhà nước thảo luận kỹ hơn, nhưng chắc chắn khoản tiền hỗ trợ này phải xuất phát từ ngân sách Nhà nước. Có nghĩa là cấp bù lãi suất từ ngân sách Nhà nước. Do đó, nếu thực hiện thì phải sửa một số quy định, có hướng dẫn rõ ràng thì mới đảm bảo thực hiện thông suốt…”, vị này nói.
Dễ hay khó?
Theo các chuyên gia, cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động là một chỉ đạo rất thiết thực của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nếu triển khai sớm sẽ góp phần hỗ trợ DN cầm cự trong mùa dịch và có thể sớm khôi phục sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra khá lo ngại nếu chính sách này được triển khai không đúng đối tượng. Theo một chuyên gia về tài chính của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, hồi năm 2009, chính sách cấp bù lãi suất như hiện nay cũng được thực hiện, nhưng rất phức tạp. Khi đó dòng tín dụng chảy nhiều vào lĩnh vực rủi ro, còn hiện nay dòng tín dụng được hướng chảy vào các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nên chính sách này có thể sẽ thuận lợi hơn nhiều. Mặc dù vậy, việc xác định đúng đối tượng được hỗ trợ vay ưu đãi là vấn đề cần phải làm kỹ lưỡng.
“Điểm đặc biệt cần lưu ý, với khoản vay ưu đãi này cũng cần có quy định rõ ràng, không thể để DN hiểu nhầm rằng đây là tiền trợ cấp, tiền cho không,… khi đó trách nhiệm trả nợ của DN sẽ yếu đi, thậm chí sẽ không sử dụng vào đúng mục đích là trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động để có thể vực dậy sau dịch”, chuyên gia này nói.
Trong khi đó, TS.LS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho hay, ở góc độ Nhà nước chắc chắn sẽ có những gói tiền đưa xuống các NHTM để các đơn vị này cho vay với lãi suất 0%, chứ nếu kêu NHTM bỏ tiền cho vay với lãi suất 0% thì rất khó. Vì bản thân nguồn tiền các NHTM là nguồn tiền huy động, có lãi suất. Dù không kỳ hạn đi nữa thì vẫn có lãi suất gần 1%, cho nên các NHTM sẽ không thực hiện.
“Chủ yếu gói này sẽ lấy từ nguồn tiền của Nhà nước, hoặc các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế. Tôi nghe nói tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ nguồn tiền cho Việt Nam trong vấn đề chống dịch, phòng dịch, ổn định kinh tế… Nếu lấy từ các nguồn tiền này đưa cho NHTM triển khai vay thì được”, ông Tín nói thêm.