Động thái trên diễn ra sau khi ngày càng nhiều chính trị gia Mỹ và phương Tây lên tiếng kêu gọi Trung Quốc "chịu trách nhiệm", hãng tin của Australia cho hay.
Phong trào khởi kiện tập thể, đòi Trung Quốc bồi thường tại Mỹ
Theo thông cáo của công ty luật Berman có trụ sở tại Miami, đơn khởi kiện tập thể này được thực hiện với mục đích yêu cầu Trung Quốc "bồi thường hàng tỉ USD cho những cá nhân bị ảnh hưởng tới sức khỏe, những cái chết không đáng có, thiệt hại về tài sản và các thiệt hại khác do Trung Quốc đã thất bại trong việc kiểm soát dịch COVID-19 , dù họ có khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus từ rất sớm".
Công ty luật này cho biết họ "mong muốn đấu tranh cho quyền lợi của mọi người dân và doanh nghiệp của tiểu bang Florida nói riêng và của nước Mỹ nói chung, những người đang mắc bệnh hoặc phải chăm sóc cho người thân của họ, những người phải đối diện với tổn thất tài chính, và những người phải đối diện với thực tại mới - trong sự hoang mang và cô độc vì lệnh cách ly xã hội".
Trước đó, theo thông tin của Newsweek, đã có ít nhất 4 đơn khởi kiện tập thể được gửi tới Tòa án Liên bang Mỹ với lí do tương tự, trong đó yêu cầu Trung Quốc bồi thường hàng nghìn tỉ USD tổn thất cho Mỹ vì đã thất bại trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và trong việc cảnh báo cộng đồng quốc tế về sự nguy hiểm của virus corona chủng mới.
Mỹ hiện là quốc gia bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lần lượt là 768.352 và 41.283 trường hợp (tính đến 23h ngày 20/4 - theo giờ Việt Nam).
Một đơn khởi kiện tập thể của 5 doanh nghiệp tại Las Vegas, bang Nevada cũng yêu cầu Trung Quốc bồi thường hàng tỉ USD.
Nội dung đơn khởi kiện này cáo buộc chính phủ Trung Quốc không minh bạch trong việc chia sẻ thông tin, trong khi chính phủ Trung Quốc nhiều lần phủ nhận các cáo buộc tương tự và khẳng định họ đã lập tức báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay từ sau khi ghi nhận tình trạng dịch bệnh bùng phát.
Một bài báo điều tra của hãng thông tấn Associated Press (AP) được đăng tải tuần trước đã tung ra những bằng chứng cho thấy ông Mã Hiểu Vĩ, Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cảnh báo về tình hình "nghiêm trọng và phức tạp" tương tự như đại dịch SARS bùng phát năm 2003 trong một hội nghị trực tuyến bí mật với quan chức y tế các tỉnh vào ngày 14/1.
Tuy nhiên, phải đến ngày 20/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chính thức công bố dịch bệnh, hãng tin này cho biết.
"Đơn khởi kiện của chúng tôi hướng đến những người phải chịu đau đớn về thể xác sau khi nhiễm virus corona chủng mới, đồng thời cũng đề cập tới hoạt động buôn bán liên quan tới các khu chợ truyền thống (wet market) của Trung Quốc [do virus corona chủng mới được cho là bắt nguồn từ một khu chợ hải sản truyền thống tại Vũ Hán, Trung Quốc]", một phát ngôn viên của công ty luật Berman cho biết đã có hơn 5.000 người kí tên vào đơn khởi kiện tập thể này kể từ cuối tháng 3.
Tuy nhiên, giáo sư luật Stephen L Carter tại trường Đại học Yale nhận định rằng cơ hội các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ thắng kiện trước Trung Quốc và nhận được bồi thường rất thấp.
Mỹ hiện là quốc gia bị dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong lần lượt là 768.352 và 41.283 trường hợp (tính đến 23h ngày 20/4 - theo giờ Việt Nam).
Phong trào đòi Trung Quốc đền bù lan sang cả Anh, Đức, Australia
Trong một báo cáo được đăng tải vào đầu tháng 4 này, Henry Jackson Society - viện nghiên cứu bảo thủ của Anh - đã lập luận rằng các quốc gia G7 có thể khởi kiện Trung Quốc và yêu cầu nước này bồi thường 6,3 ngàn tỉ USD.
Báo cáo này phân tích rằng Australia có thể đòi Trung Quốc bồi thường hơn 58 tỉ USD để bù đắp các thiệt hại do COVID-19.
Ông John Sawers, cựu Giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6, cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải chịu trách nhiệm về đại dịch COVID-19 vì đã "cố tình che giấu" vào thời điểm dịch bệnh mới bùng phát.
"Trung Quốc thực sự đã giấu dịch, không báo cho phương Tây trong khoảng thời gian ngắn giữa tháng 12 và tháng 1", ông Sawers nói với đài BBC.
Trong khi đó, báo Bild của Đức - tờ báo được đọc nhiều nhất tại châu Âu - đã đăng tải một "hóa đơn" yêu cầu Trung Quốc bồi thường số tiền tương đương 41 tỉ USD cho doanh thu nước này bị thiệt hại trong tháng 3 và tháng 4, 86 tỉ USD cho các doanh nghiệp nhỏ, và thêm một khoản 225 tỉ USD nếu GDP của Đức giảm xuống còn 4,2% trong năm 2020 như các chuyên gia dự đoán.
Trong một lá thư ngỏ gửi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tờ báo của Đức viết: "Chính phủ và các nhà khoa học Trung Quốc hẳn đã biết từ lâu rằng virus corona rất dễ lây nhiễm, nhưng các vị không thông báo cho các quốc gia khác về điều đó".
"Các chuyên gia hàng đầu của các vị đã không hồi âm khi các nhà nghiên cứu phương Tây yêu cầu cung cấp thông tin về tình hình ở Vũ Hán", tờ Bild cáo buộc.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi Trung Quốc bồi thường, khi nhiều lãnh đạo và quan chức phương Tây yêu cầu Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm, theo hãng tin ABC.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Australia Marise Payne đã lên tiếng ủng hộ cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona chủng mới. Bà này cho biết cuộc điều tra này không nên giao cho WHO tiến hành, đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải đảm bảo minh bạch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tiếp tục chỉ trích Trung Quốc, gần đây nhất là lời đe dọa rằng Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả nếu họ bị phát hiện có trách nhiệm đối với đại dịch COVID-19.
"Đáng lẽ dịch bệnh có thể được ngăn chặn từ Trung Quốc, nhưng họ đã không làm được điều đó, và giờ đây cả thế giới đang phải hứng chịu hậu quả", ông Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Cả Tổng thống Trump và nhiều quan chức cấp cao của Australia đều "chĩa mũi dùi" vào cách WHO xử lý dịch bệnh. Tuần trước, Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tạm ngừng tài trợ cho WHO vì "quá thiên vị Trung Quốc".