Ngày 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus corona (Covid-19), cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và những giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chống Covid-19 và cả virus trì trệ
Khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần là tìm biện pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu và các hoạt động khác trong bối cảnh dịch bệnh. Lưu ý chống dịch nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành tiếp tục thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển tốt nhất nhằm hoàn thành nhiệm vụ và "không được vì việc này mà bỏ mất việc kia". Thủ tướng cũng nhấn mạnh không chỉ chống Covid-19 mà Việt Nam cần đẩy lùi cả "virus trì trệ".
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Covid-19 đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, làm đình trệ sản xuất kinh doanh. "Việt Nam có độ mở nền kinh tế lớn và đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ" - Bộ KH-ĐT nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: MINH PHONG
Cụ thể, theo Bộ KH-ĐT, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện chủ yếu từ Trung Quốc. Hiện tại, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất và cả thị trường tiêu thụ. Ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu từ Trung Quốc. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các (DN) sản xuất và xuất khẩu dệt may gặp khó. Các DN sản xuất thép trong nước nhìn chung chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung sẽ ảnh hưởng nặng nề.
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch Covid-19. Theo Bộ KH-ĐT, khách Trung Quốc đến Việt Nam bình quân 1 quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu người. Trong tháng 1-2020, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là 644.000 người. Với các biện pháp hạn chế tạm thời thì không có khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch. "Do ảnh hưởng dịch, số lượng khách từ các quốc gia khác đến Việt Nam cũng sẽ giảm mạnh, ước tính giảm 50%-60% trong giai đoạn có dịch" - Bộ KH-ĐT nêu rõ, đồng thời dự báo ngành du lịch sẽ thiệt hại khoảng 5 tỉ USD nếu dịch kéo dài hết quý II.
Cần gói tín dụng hỗ trợ DN nhỏ và vừa
Bộ KH-ĐT đã đề xuất một số giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch. Theo đó, có giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa; DN logistics, bán lẻ, sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. Các biện pháp hỗ trợ như gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho DN thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước.
Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói tín dụng hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2 để thực hiện.
Biến nguy thành cơ
Từ những tác động đối với kinh tế mà Bộ KH-ĐT nêu ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các ngành lớn phải có đề án riêng để ứng phó, giải quyết các khó khăn. Mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp và đã có những tác động nhất định nhưng Thủ tướng khẳng định chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
"Chúng ta cần có kịch bản theo tình hình dịch để chủ động ứng phó. Bộ KH-ĐT hoàn thiện các phương án để có mức phấn đấu cụ thể, ví dụ như chúng ta giữ mục tiêu tăng trưởng 6,8%/năm thì những quý còn lại phải giữ tăng trưởng ở mức nào? Từ đó, chính sách tiền tệ, đầu tư công, xuất nhập khẩu… phải như thế nào?" - Thủ tướng đặt vấn đề.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm. Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh đây là thời điểm để khẳng định bản lĩnh, quyết tâm với tinh thần "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nhắc lại yêu cầu chống 2 loại virus là Covid-19 và trì trệ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải hành động, tiến công, đi vào các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể và đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm trực tiếp gỡ khó cho một số ngành, lĩnh vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ sớm thực hiện một số biện pháp như giảm lệ phí visa, chi phí logistics; đồng thời quán triệt không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
"Tập trung tổ chức sản xuất, tái cơ cấu thị trường, coi trọng thị trường nội địa, mở rộng thị trường quốc tế, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Đẩy mạnh đầu tư công và các công trình trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA" - Thủ tướng chỉ đạo.
Không để thị trườngdu lịch tê liệt
Nhấn mạnh nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe cho người dân là quan trọng, nhưng Thủ tướng lưu ý chống dịch không có nghĩa là đóng cửa tất cả. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục mở cửa các danh lam thắng cảnh, điểm tham quan để không làm tê liệt thị trường du lịch. Ngoài ra, các ngành, địa phương cần phát động các nhà máy, xí nghiệp, siêu thị, các danh lam thắng cảnh, di tích hoạt động bình thường. "Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp phải đi sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc để phát triển sản xuất" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý phải ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng hay đầu cơ tăng giá.
Khi dịch bệnh chưa dự báo được thời điểm kết thúc, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan phải chủ động theo dõi tình hình, có biện pháp phản ứng kịp thời trong điều hành chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát chặt chẽ tỉ giá.
Hai kịch bản tăng trưởng
Bộ KH-ĐT đưa ra 2 kịch bản mới dự báo tăng trưởng năm nay.
Nếu dịch khống chế được trong quý I/2020: Mức tăng GDP là 6,25%, giảm 0,55 điểm phần trăm so với mục tiêu 6,8%. Trong đó, GDP quý I tăng 4,25%, quý II 6,08%, quý III 6,92% và quý IV 6,81%.
Nếu dịch được khống chế trong quý II/2020: GDP chỉ đạt 5,96%, giảm 0,84 điểm phần trăm so với mục tiêu. Trong đó, tăng trưởng quý I tăng 4,52%, quý II 5,1%, quý III là 6,7% và quý IV 6,81%.
Tháo gỡ xuất nhập khẩu hàng hóa
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện 224 về việc tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trong bối cảnh phòng chống dịch corona. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, thống nhất với các bộ, ngành, địa phương có đường biên giới xây dựng quy trình kiểm dịch y tế, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện áp dụng tại các cảng biển, sân bay và cửa khẩu trên nguyên tắc tạo thuận lợi, đẩy nhanh hoạt động thông quan hàng hóa; đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trong đó, người điều khiển phương tiện phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu để khi trở lại Việt Nam không phải áp dụng biện pháp cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
UBND các tỉnh có đường biên giới chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trao đổi, làm việc với các địa phương biên giới nước bạn để thống nhất triển khai thực hiện các quy trình nêu trên.
Đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về việc tiếp tục hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu phụ Tân Thanh và Cốc Nam (Lạng Sơn) và lối mở Km3+4 phường Hải Yên, TP Móng Cái (Quảng Ninh) trên nguyên tắc bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt về phòng chống dịch bệnh đối với người điều khiển và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu...
T.Dũng