Đó là chia sẻ của tiến sĩ Burkhard Schrage, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị tại Khoa Kinh doanh và Quản trị, đồng thời là giảng viên chương trình MBA và Thạc sĩ Thương mại Toàn cầu (Master of Global Trade) tại Đại học RMIT Việt Nam, về câu chuyện doanh nghiệp làm sao để phục hồi sau bão Covid19.
Tiến sĩ Burkhard Schrage
"Đáp án cho những câu hỏi quan trọng này phụ thuộc vào bản chất doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào bởi khủng hoảng. Một số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoàn toàn như khách sạn và nhà hàng, một số đối mặt với vấn đề về chuỗi cung ứng như trong ngành dệt may, và những doanh nghiệp khác có thể phải đối mặt với giảm mạnh nhu cầu mua trong lĩnh vực bán lẻ", tiến sĩ Burkhard Schrage nhận định.
Tiến sĩ Burkhard Schrage cho rằng phần lớn các chủ doanh nghiệp Việt Nam đã báo cáo sự sụt giảm mạnh về doanh số trong những tuần qua, và không chắc chắn khi nào doanh số sẽ tăng trở lại.
Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Co. đã nghiên cứu lý do tại sao một số doanh nghiệp hoạt động trong khủng hoảng và phục hồi sau cuộc khủng hoảng tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh. Từ quan sát thực tế cùng với thông tin mà McKinsey & Co. đưa ra, ông Burkhard Schrage đúc rút lại các phương án mà doanh nghiệp cần làm để phục hồi sau Covid19.
Một là giải quyết vấn đề của doanh nghiệp: Giải quyết những thách thức trước mắt cho doanh nghiệp. Thách thức quan trọng trước mắt là bảo vệ nhân viên và chuyển đổi sang hình thức làm việc từ xa, phi tập trung. Truyền đạt rõ ràng trách nhiệm và quy trình mới, nhưng cũng khuyến khích nhân viên tiếp tục làm việc theo nhóm. Khuyến khích các cuộc trò chuyện xã hội thường xuyên qua video trực tuyến thay thế cho các cuộc trò chuyện trong giờ giải lao hay ăn trưa.
Hai là, giải quyết những thách thức ngắn hạn cho doanh nghiệp: Xác định các rủi ro chính cho doanh nghiệp và lập kế hoạch cho các kịch bản khác nhau. Có phải doanh nghiệp sắp cạn tiền mặt? Khi nào doanh nghiệp sẽ hết tiền mặt? Có biện pháp can thiệp nào để giảm thiểu khả năng tình huống này xảy ra? Có thể bạn sẽ phải quản lý tài chính thận trọng, đàm phán lại với các nhà cung cấp và người cho thuê trong tình huống đó. Chuỗi cung ứng của bạn có nguy cơ không? Làm thế nào bạn có thể đa dạng hóa nguồn cung ứng?
Thứ ba là giai đoạn phục hồi: Khi đó, doanh nghiệp cần phác thảo một kế hoạch chi tiết cho các tình huống sau khủng hoảng. Mặc dù không thể biết được thời gian kéo dài của cuộc khủng hoảng, doanh nghiệp nên sẵn sàng khi kết thúc cảnh tượng này. Đừng hành động không có sự chuẩn bị và để cho các đối thủ phục hồi quy mô nhanh hơn bạn.
Thứ tư, thế giới sẽ khác sau khủng hoảng và doanh nghiệp cần biết điều này: Người tiêu dùng sẽ đánh giá các tính năng khác nhau của sản phẩm của bạn, đối thủ cạnh tranh sẽ cạnh tranh khác đi, chuỗi cung ứng sẽ được cấu hình không giống như ngày hôm qua. Cần thích ứng kinh doanh nhanh chóng khi thế giới ngày càng thay đổi sau cuộc khủng hoảng.