Quốc hội Pháp không nêu tên hai nhà lập pháp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng truyền thông địa phương ở vùng Alsace đưa tin người đầu tiên trong số hai nhà lập pháp là Jean-Luc Reitzer, người đại diện một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhất vì dịch bệnh và hiện đang được chăm sóc đặc biệt.
Nhà lập pháp thứ hai là một phụ nữ, theo thông cáo của Quốc hội. Quốc hội hôm 6-3 nói rằng một nhân viên quầy bán thức ăn vặt cũng nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các phiên họp ở hạ viện sẽ bị gián đoạn trong hai tuần kể từ ngày 9 tới ngày 22-3 do các cuộc bầu cử thành phố đang diễn ra trên khắp nước Pháp, làm giảm hoạt động và số lượng người có mặt trong tòa nhà Quốc hội.
Tính đến ngày 8-3, Pháp ghi nhận thêm 5 người tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết lên 16 người. Hiện nước này có thêm 296 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 949 người.
Quốc hội không nêu tên hai nhà lập pháp nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh: REUTERS
Tại Đức, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng 130 người, thành 800 trường hợp trong ngày 7-3. Theo Viện nghiên cứu Robert Koch, chịu trách nhiệm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Đức, tổng số ca nhiễm tăng gấp hơn 10 lần so với con số 66 vào ngày 29-2.
Quốc gia đông dân nhất Tây Âu này trở thành nước có số người nhiễm dịch nhiều thứ 2 sau Ý. Cho đến nay, nước này chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào, mặc dù có thông tin một bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong khi đó, Giám đốc điều hành của hãng chế tạo ô tô hàng đầu Daimler - ông Ola Kallenius cảnh báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc kinh tế. Ông Ola Kallenius nói với tạp chí Der Spiegel: "Những gì xảy ra giữa dịch Covid-19 cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu mong manh như thế nào. Một thế giới không có chia sẻ công việc toàn cầu sẽ ít thành công hơn".
Bên cạnh đó, ông Ola Kallenius nói Daimler đang dần tăng cường sản xuất lại ở Trung Quốc sau khi ngừng hoạt động sản xuất một thời gian dài do Covid-19. Dĩ nhiên, cả sản xuất và bán hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Tính thời điểm này, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Đức là 800 ca. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Hãng hàng không Đức Lufthansa ngày 6-3 thông báo sẽ cắt giảm một nửa số chuyến bay của hãng nhằm giảm thiệt hại về kinh tế khi nhu cầu giảm đột ngột do dịch Covid-19. Lufthansa thông báo lượng lớn khách hàng hủy đặt vé, trong khi nhiều chuyến bay (chủ yếu là nội địa và một số điểm đến ở Ý) cũng bị hủy.
Tờ Handelsblatt ngày 7-3 đưa tin các đảng trong chính phủ liên minh của Thủ tướng Angela Merkel đã thảo luận về các phương cách tạm thời giúp các công ty rút ngắn thời gian làm việc của nhân viên, chặt đứt nỗi hoang mang dẫn đến việc càn quét các kệ hàng ở siêu thị, hạn chế di chuyển đến các vùng có dịch.