"Đại dịch giống như 1 "con quái thú" kỳ lạ mà tôi chưa có vũ khí để đối phó", Ray Dalio – nhà sáng lập của quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates đã dùng phép ẩn dụ này để giải thích cho sự thua lỗ của ông trong quý I vừa qua.
Từ nhiều năm nay, chiến lược đầu tư cân bằng rủi ro nổi tiếng của Bridgewater đã tạo ra thành công vang dội và được nhiều quỹ khác học theo. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 ập đến thì Ray Dalio cũng không thể tránh khỏi thảm họa. Các quỹ của ông lỗ từ 7% đến 21% trong quý I, mức lỗ nặng nhất kể từ cuối năm 2008.
Bridgewater lần đầu tiên triển khai danh mục cân bằng rủi ro từ năm 1996, khi cho ra mắt quỹ All Weather. Để thực thi mục đích phòng chống được các cú sốc có quy mô bao phủ toàn thị trường, quỹ cân bằng rủi ro của danh mục bằng cách cân bằng giữa tỷ trọng nắm giữ các cổ phiếu có mức độ biến động cao và tỷ trọng trái phiếu chính phủ. Nguyên lý ở đây là khi thị trường gặp rắc rối thì trái phiếu thường tăng giá, bù đắp những khoản lỗ từ cổ phiếu.
Để có thể kiếm lợi nhuận cao hơn, quỹ cần giảm thiểu rủi ro từ cổ phiếu. Sáng kiến của Bridgewater là vẫn nắm nhiều cổ phiếu nhưng sẽ đi vay để mua các trái phiếu kỳ hạn dài và an toàn. Nếu lãi suất dài hạn cao hơn lãi suất đi vay (mà đa phần là như vậy), lợi suất của toàn danh mục sẽ tăng lên mà không làm tăng rủi ro.
Thành công của chiến lược này, đặc biệt là trong khủng hoảng tài chính toàn cầu, khiến nhiều quỹ học theo. Theo David Zervos, chuyên gia của ngân hàng đầu tư Jefferies, tổng tài sản được phân bổ theo chiến lược này có lẽ đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong tháng 3. Trong giai đoạn 2006-2010, mức lợi suất hàng năm trung bình của chỉ số cân bằng rủi ro S&P là 8%, trong khi S&P 500 không đem lại chút lợi nhuận nào.
Trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng virus corona, chiến lược cân bằng rủi ro của Ray Dalio vẫn tỏ ra hiệu quả. Từ 1/1 đến 13/3, chỉ số MSCI World Share-price Index giảm 20% nhưng nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản an toàn vẫn cao. Ở Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm – loại tài sản thường diễn biến trái chiều với giá cổ phiếu – rơi xuống mức thấp kỷ lục 0,3% vào ngày 9/3.
Nhưng sau đó thì giá cổ phiếu và trái phiếu bắt đầu diễn biến cùng chiều. Đối mặt với tình trạng khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng, một số nhà đầu tư bán ra cả những tài sản có tính thanh khoản cao như trái phiếu kho bạc, khiến danh mục cân bằng rủi ro cũng sụt giảm giá trị.
Khi lợi suất trái phiếu vẫn ở mức thấp, những người ủng hộ chiến thuật cân bằng rủi ro đi tìm các cách khác để phòng vệ rủi ro. Dalio cũng thừa nhận rằng việc các chính phủ đi vay quá nhiều để hỗ trợ nền kinh tế chống đỡ với đại dịch sẽ khiến lạm phát tăng vọt và trái phiếu không còn là tài sản hấp dẫn để nắm giữ.
Zervos thì cho rằng trái phiếu của các doanh nghiệp có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao – mang lại lợi suất cao hơn khoảng 2 điểm phần trăm so với trái phiếu chính phủ - có thể là lựa chọn thay thế. Cuộc chạy đua tìm kiếm chiến lược đầu tư mới để đánh bại thị trường và thu về mức lợi suất vượt trội lại bắt đầu.