Dù không phải là nước có tỉ lệ tử vong vì Covid-19 thấp nhất trong khu vực nhưng trong giai đoạn đầu năm 2020, Nhật Bản có ít người chết hơn so với mức trung bình thế giới. Điều này đặc biệt bất ngờ vì Nhật Bản có rất nhiều yếu tố khiến họ dễ bị tổn thất bởi Covid-19. Đó là chưa kể họ chưa từng thực hiện biện pháp triệt để nào để ngăn virus như những nước láng giềng.
Tới nay, 5 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, tổng cộng Nhật Bản có gần 20.000 ca nhiễm và gần 1.000 người tử vong. Tình trạng khẩn cấp được gỡ bỏ và cuộc sống của người dân mau chóng trở lại như bình thường. Khi thông báo gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào cuối tháng 6, Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ sự tự hào về "hình mẫu Nhật Bản" và nói bóng gió rằng các nước khác nên học tập họ.
Phó Thủ tướng Taro Aso cho rằng một phần nguyên nhân là do "tính ưu việt" của người Nhật. Ông Aso từng có một bình luận hết sức nổi tiếng khi giải thích sự thành công của Nhật Bản cho lãnh đạo các nước khác. "Tôi nói với họ: 'Điều khác biệt giữa nước tôi và nước anh là trình độ của người dân'. Câu trả lời này khiến họ im lặng không nói nên lời" - trích lời ông Aso.
Nhật Bản chỉ có gần 20.000 ca nhiễm và chưa đến 1.000 ca tử vong sau 5 tháng chống dịch. Ảnh: AP
Đây là một khái niệm bắt nguồn từ thời hoàng gia Nhật Bản và thể hiện sự ưu thế chủng tộc cũng như chủ nghĩa sùng bái tinh thần bè phái cực đoan trong văn hóa. Ông Aso đã bị lên án vì phát ngôn này.
Nhưng điều không thể nghi ngờ là rất nhiều người Nhật, và một số nhà khoa học, nghĩ rằng đảo quốc này sở hữu "Nhân tố X" giúp bảo vệ người dân khỏi Covid-19. Có lẽ văn hóa ít ôm hôn khi chào hỏi đã đóng góp 1 phần khi người dân thực hiện biện pháp giãn cách xã hội nhưng đây không phải là câu trả lời.
Giáo sư Tatsuhiko Kodama của trường ĐH Tokyo, người nghiên cứu cách bệnh nhân Nhật Bản phản ứng với virus, tin rằng có thể một loại virus nào đó tương tự SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở nước họ trong quá khứ, để lại "miễn dịch lịch sử".
Người dân Nhật Bản có thói quen đeo khẩu trang khi bị bệnh từ lâu. Ảnh: AP
Ông Kodama giải thích: Khi virus xâm nhập vào cơ thể con người, hệ thống miễn dịch sản xuất các kháng thể tấn công mầm bệnh xâm nhập. Có 2 loại kháng thể là IGM và IGG. Cách chúng phản ứng sẽ thể hiện liệu một người có từng bị nhiễm virus đó hay loại tương tự trước đây chưa.
"Trong trường hợp nhiễm virus nguyên phát, IGM thường phản ứng trước rồi mới đến IGG. Nhưng với các trường hợp từng nhiễm virus, tế bào lympho đã ghi nhớ nên chỉ có IGG phản ứng nhanh" - trích lời giáo sư Kodama.
"Khi xem các xét nghiệm, chúng tôi rất ngạc nhiên. Ở tất cả các bệnh nhân, phản ứng IGG xảy ra rất nhanh trong khi IGM lại chậm và yếu. Có vẻ như chúng đã từng tiếp xúc với loại virus tương tự trước đây" - ông Kodama nhận xét.
Giáo sư nghĩ rằng có lẽ trong quá khứ một loại virus giống như SARS đã xuất hiện ở khu vực nên mới khiến tỉ lệ tử vong ở cả Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Đông Nam Á thấp so với thế giới.
Nhật Bản có tỉ lệ người tử vong vì Covid-19 rất thấp. Ảnh: AP
Trong khi đó, giáo sư Kenji Shibuya của trường ĐH Kings (London - Anh) không loại trừ khả năng khác biệt khu vực trong miễn dịch hoặc tính nhạy cảm di truyền đối với Covid-19 là nguyên nhân giúp tỉ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên, ông tỏ ra nghi ngờ ý tưởng "Nhân tố X" giải thích sự khác biệt về tỉ lệ người chết.
Ông Shibuya nghĩ rằng những nước có kết quả chống dịch tốt là nhờ thành công trong việc giảm đáng kể số lây nhiễm. Người Nhật bắt đầu đeo khẩu trang từ hơn 100 năm về trước trong đại dịch cúm năm 1919 và họ duy trì thói quen này cho đến nay.
Ngoài ra, Nhật Bản còn phát hiện sớm 2 mô hình quan trọng trong đại dịch. Tiến sĩ Kazuaki Jindai, một nhà nghiên cứu y khoa ở trường ĐH Kyoto và là thành viên của đội đặc nhiệm khống chế cụm dịch, nói dữ liệu cho thấy hơn 1/3 các ca lây nhiễm bắt nguồn từ những địa điểm rất quen thuộc như các chương trình ca nhạc. Vì vậy, nhóm xác định những nơi "có sự hô hấp mạnh ở khoảng cách gần", bao gồm "quán karaoke, những bữa tiệc, câu lạc bộ, quán bar và phòng gym", là có rủi ro cao nhất.
Tại Nhật Bản, chính phủ có thể tin tưởng vào sự tuân thủ của dân chúng. Ảnh: AP
Điều thứ 2 mà nhóm phát hiện được là mức độ lây lan sẽ giảm xuống thành một tỉ lệ nhỏ trong số những người nhiễm virus. Một nghiên cứu trước đó cho thấy khoảng 80% những người mang virus SARS-CoV-2 không lây cho người khác trong khi 20% còn lại có sự lây nhiễm cao.
Những phát hiện này dẫn đến một chiến dịch quốc gia do chính phủ phát động để khuyến cáo người dân tránh 3 điều: không gian hẹp không thoáng khí, nơi đông người và các tiếp xúc trực tiếp.
Giáo sư Shibuya cho rằng những bài học của Nhật Bản không quá khác biệt so với những nơi khác. "Đối với tôi, đó là bài học về thời gian. Nếu các biện pháp khẩn cấp bị trì hoãn, chúng tôi có thể sẽ trải qua tình trạng tương tự như New York hay London. Nhật Bản có tỉ lệ tử vong thấp. Nhưng một nghiên cứu gần đây của trường ĐH Columbia cho thấy nếu New York áp dụng biện pháp phong tỏa sớm hơn 2 tuần, hàng chục ngàn người đã không tử vong" - ông Shibuya lưu ý.
Trở lại với sự tự hào của Thủ tướng Shinzo Abe về "Hình mẫu Nhật Bản", liệu các nước khác có học được bài học nào từ xứ sở mặt trời mọc hay không? Việc Nhật Bản thành công trong việc giữ tỉ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức độ thấp mà không cần yêu cầu người dân ở nhà có chỉ ra con đường tiến lên phía trước hay không? Câu trả lời là Có và Không.
Sự thật là chẳng có "Nhân tố X" nào phá vỡ chuỗi lây nhiễm. Tuy nhiên, tại Nhật Bản, chính phủ có thể tin tưởng vào sự tuân thủ của dân chúng. Cho dù giới chức Nhật Bản không ra lệnh buộc toàn dân ở nhà, người dân vẫn làm theo. "Đây là một điều may mắn đáng ngạc nhiên. Sự phong tỏa nhẹ nhàng của Nhật Bản lại có tác dụng tương đương với mức nghiêm ngặt. Người dân vẫn tuân thủ dù không có các biện pháp hà khắc" - trích lời giáo sư Shibuya.