Bộ Thương mại Mỹ cho biết, GDP Mỹ trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6 năm nay đã giảm 32,9% so với năm trước. Trong khi đó, các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát dự báo mức giảm là 34,7%. Tuy nhiên, đây vẫn là đà giảm tồi tệ nhất từ trước đến nay.
Sự thu hẹp mạnh nhất được ghi nhận trong ngành tiêu dùng cá nhân, xuất khẩu, hàng tồn kho, đầu tư và chi tiêu của chính quyền liên bang, chính quyền địa phương. Theo đó, các yếu tố này đã kéo tụt GDP trong quý II. Chi tiêu đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe và hàng hóa như đồ may mặc, giày dép đã sụt giảm. Lượng đầu tư vào hàng tồn kho giảm mạnh nhất đối với các đại lý xe cơ giới, trong khi chi tiêu cho thiết bị và nhà hộ gia đình mới cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
GDP Mỹ sụt giảm ở mức chưa từng có trong quý II/2020.
Mức giá chi tiêu trong nước – một chỉ báo lạm phát quan trọng, đã giảm 1,5% trong giai đoạn này, trong khi tăng 1,4% trong quý đầu tiên với GDP giảm 5%. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân giảm 1,9%, trong khi quý I tăng 1,3%. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm thực phẩm và năng lượng giảm 1,1%.
Dẫu vậy, thu nhập cá nhân tại Mỹ lại tăng vọt, một phần lớn là nhờ khoản hỗ trợ trực tiếp của chính phủ. Thu nhập cá nhân tính theo đồng USD đã tăng hơn 6 lần lên 1,39 nghìn tỷ USD, trong khi thu nhập cá nhân khả dụng tăng 42,1% lên 1,53 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, các khoản chi tiêu cá nhân giảm 1,57 nghìn tỷ USD, hầu hết là do chi tiêu dịch vụ giảm.
Nhập khẩu trong quý II tăng 10%, trong khi hoạt động xuất khẩu giảm 9,4%.
Trong hơn 30 năm qua, ngay cả cuộc Đại suy thoái hay Đại khủng hoảng, hoặc bất kỳ sự kiện nào cũng không gây ra mức sụt giảm tồi tệ đến như vậy trong khoảng thời gian quá ngắn. Cụ thể, quý tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chứng kiến GDP giảm 8,4% trong quý IV năm đó. Mức thấp trước đó là 10% trong quý I/1958, còn mức giảm mạnh nhất từng ghi nhận là vào quý II/1921.
Đà sụt giảm chưa từng chứng kiến ở lần này có nguyên nhân khác biệt so với những cuộc khủng hoảng trước đó: chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa hoạt động kinh tế để ứng phó với đại dịch. Theo đó, người lao động trên cả nước được yêu cầu phải ở nhà và khiến tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 14,7% - cao nhất kể từ sau Đại khủng hoảng.
Ngoài ra, cũng trong ngày 30/7, chính phủ Mỹ đã công bố số liệu về số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tuần trước, với tổng cộng là 1,434 triệu. Dù gần như ngang với mức dự đoán, nhưng đây là tuần thứ 19 liên tiếp số lượng đơn đạt ít nhất 1 triệu và tuần thứ 2 liên tiếp con số này tăng lên sau khi giảm 15 tuần liên tiếp.
Mark Zandi, kinh tế gia trưởng của Moody’s Analystics, nhận định rằng báo cáo này đã chỉ ra rõ ràng ‘lỗ hổng’ trong nền kinh tế đã sâu sắc và tối tăm đến mức nào. Ông cho biết: "Đây là một các hố rất sâu và tối tăm, nhưng chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để thoát khỏi đó."
Tham khảo Bloomberg