Trải qua những ngày tháng mệt mỏi, lo âu, sợ sệt do ‘sự rình rập’ của Covid-19 và đối mặt với những tin tức về hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, cùng sự gia tăng chóng mặt của các ca nhiễm mới, đặc biệt là trong đợt dịch thứ 4, vấn đề sức khỏe trở thành mối quan tâm hàng đầu của người dân và toàn xã hội.
Do đó, cũng là điều dễ hiểu khi gần 71% doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đều cho rằng tác động của dịch Covid-19 đã cải thiện đáng kể nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm, theo kết quả khảo sát được Vietnam Report đưa ra mới đây.
Sự cải thiện này sẽ tạo nên động lực tăng trưởng quan trọng cho doanh nghiệp bảo hiểm trong nửa cuối năm 2021 và đặt nền móng giúp tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm/GDP ngày càng cao hơn trong những năm tiếp theo.
Hiện tại, chỉ số này còn thấp. Đến năm 2020, Việt Nam mới có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP tối đa 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực. Với đà này, đến năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5% GDP, chỉ cao hơn 0,2% mức trung bình các quốc gia trong khu vực vào năm 2019. Điều đó cho thấy dư địa phát triển của ngành bảo hiểm tại Việt Nam còn rất lớn.
Bên cạnh đó, mức chi tiêu cho bảo hiểm bình quân trên đầu người trong năm 2019 là 72 USD tại Việt Nam, thấp hơn so với mức 175 USD tại các thị trường mới nổi và cách xa con số 4.664 USD tại các thị trường phát triển, theo số liệu của Công ty chứng khoán KB.
Hướng đi mới cho trái ngọt
Không nằm ngoài xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, cùng sự ‘thúc giục’ để vượt qua những hạn chế trong đại dịch Covid-19, ngành bảo hiểm Việt Nam trong gần 2 năm qua cũng đang tích cực tham gia vào cuộc đua chuyển đổi số để tìm cho mình một hướng đi phù hợp trong những năm tới. Từ đó nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo nên động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.
Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đẩy mạnh đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng khi số hóa xuyên suốt các quy trình bảo hiểm, từ việc tư vấn, thẩm định, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, chữ ký số… cho đến giám định, bồi thường trực tuyến, rút ngắn thời gian chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, hướng tới hệ sinh thái số đa dạng, toàn diện đối với khách hàng.
Các kênh phân phối và dịch vụ kỹ thuật số sẽ dần thay thế cho các kênh truyền thống, ngoại trừ những yêu cầu và quyết định có tính phức tạp. Gần 70% doanh nghiệp bảo hiểm đã đồng ý rằng kênh kỹ thuật số đã tác động tích cực vào doanh thu, theo Vietnam Report.
Vì vậy, 100% doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa phát triển công nghệ vào Top 5 mục tiêu chiến lược của mình trong giai đoạn mới, hướng tới xây dựng những nền tảng mới, ứng dụng công nghệ để có thể đạt được tốc độ, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cũng như đáp ứng nhu cầu tương tác liên tục của khách hàng.
Trái ngược với nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2021 và cả năm 2020 tăng rất tốt.
Cụ thể, hơn nửa doanh nghiệp bảo hiểm đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt đã tăng trưởng lợi nhuận nửa đầu năm nay ở mức 40 - 55% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (BMI) có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất là 55,4%, Tổng công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR) tăng 54,6%, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI) tăng 49,9%; Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG) tăng 44,3; Tập đoàn Bảo Việt (BVH) tăng 41,2%.
Chưa kể năm 2020, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp này cũng ‘gây bất ngờ’ như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tăng tới 113% so với năm 2019, thời điểm chưa có dịch Covid-19 hoành hành.
Những con số kể trên đã cho thấy hiệu quả của các động lực tăng trưởng mới trong bối cảnh đại dịch gồm sự cải thiện đáng kể nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm, chuyển đổi số và kênh phân phối bảo hiểm đa dạng. Bất chấp những khó khăn, thách thức như cạnh tranh trong ngành ngày càng gia tăng; rủi ro từ yếu tố thiên tai, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh…; thu nhận của khách hàng giảm sút; rủi ro lạm phát; vấn đề trục lợi bảo hiểm.
Cơ hội lớn
Sự hỗ trợ của chuyển đổi số có thể tạo nên ‘cú chuyển mình’ lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian tới khi tỷ lệ tiêm chủng cao, kịch bản ‘sống chung với Covid-19’ được thúc đẩy, những hạn chế của người dân và doanh nghiệp đã không còn.
Cùng với đó, cuộc chiến khốc liệt dành thị phần đã khiến các doanh nghiệp tung ra ngày càng nhiều các sản phẩm bảo hiểm đa dạng. Bên cạnh 5 công ty bảo hiểm hàng đầu gồm Bảo Việt Nhân thọ, Manulife, Prudential, Dai-ichi và AIA, nhiều công ty bảo hiểm nhỏ cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Cộng hưởng, khung pháp lý mới cũng mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho ngành bảo hiểm từ năm 2023. Theo dự kiến của cơ quan chức năng, Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi sẽ được ban hành trong năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, mục đích nhằm khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách hiện tại và bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ cam kết quốc tế của Việt Nam tham gia EVFTA, CPTPP.
Một số nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi là bổ sung nguyên tắc doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhưng phải đảm bảo các yêu cầu về tài chính để thực hiện các cam kết của mình đối với bên mua bảo hiểm. Hoàn thiện các quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro; tài chính, hạch toán kế toán; công khai thông tin.
Ngoài ra, sẽ bổ sung toàn bộ các quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm. Bộ Tài chính chỉ phê chuẩn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ và phương pháp tính phí.
Các thông tin nhân thân về người mua, về giao dịch sẽ được công khai, giúp các doanh nghiệp bảo hiểm đánh giá rủi ro tốt hơn, ngăn chặn trục lợi và thiết kế sản phẩm phù hợp nhu cầu khách hàng hơn.
Bên cạnh đó, các chính sách về khuyến khích sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm chuẩn hóa các hoạt động và giao dịch bảo hiểm trên thị trường, nâng cao hoạt động bảo hiểm cũng được đưa vào.
Dự thảo luật còn mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Những thay đổi về cơ sở pháp lý này dự kiến sẽ mang lại ‘cú huých’ cho thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Cuộc chiến dành thị phần trong ngành sẽ ngày càng khốc liệt nhưng theo một cách ‘lành mạnh’ hơn khi luật mới được ban hành, đặc biệt là khi có sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp nước ngoài.