Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, làn sóng bùng phát dịch Covid-19 lại là tác nhân thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn trong lĩnh vực tài chính, bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.
Tăng cường số hoá tài chính tiêu dùng tại Việt Nam
Trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, nhiều người dân bị giảm thu nhập dẫn đến chi tiêu eo hẹp, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ngân hàng trước nay luôn có nhiều rào cản. Chính vì vậy, các kênh tài chính tiêu dùng hỗ trợ người dân được đánh giá cao vì sự linh hoạt, đơn giản và đáp ứng đúng nhu cầu người vay.
Chị Vũ Thanh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, việc giãn cách trong dịch bệnh khiến người lớn phải làm việc tại nhà, trẻ em học online nên đòi hỏi phải có thiết bị công nghệ, máy tính để phục vụ việc học tập. Tuy nhiên, trong nhà có 2 con mà việc một lúc mua 2 bộ máy tính là quá sức so với thu nhập đang bị cắt giảm. Chị Hải đã mạnh dạnh sử dụng hình thức vay tiêu dùng để mua trả góp 2 chiếc laptop tại siêu thị điện máy bằng hình thức online, với số tiền ban đầu bỏ ra chỉ 30% tổng giá trị, thời gian trả nợ kéo dài 12 tháng.
“Khi khó khăn, chỉ vài chục triệu cũng là cả một tài sản không thể xoay sở ngay được, trong khi đó việc vay ngân hàng lại rườm rà thủ tục, đòi hỏi tài sản đảm bảo hay chứng minh nhiều thứ khác. Do đó, việc mua trả góp từ các công ty tài chính tiêu dùng thực sự là giải pháp tối ưu cho những người có thu nhập thấp. Điều đáng mừng là vợ chồng tôi chỉ việc lựa chọn sản phẩm trên website và thực hiện thủ tục online, được các tư vấn viên giới thiệu nhiệt tình và hướng dẫn làm thủ tục.
Nếu trước đây, quy trình giấy tờ truyền thống có thể mất tới vài tuần thì nay các ứng dụng hiện đại, quy trình đăng ký vay đã rút ngắn đáng kể chỉ trong vài phút”, chị Hải bày tỏ.
Từ thực tế trên có thể thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, nhất là các công ty tài chính tiêu dùng đã phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ tiêu dùng của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính riêng nhóm các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, với hơn 30 triệu lượt khách hàng được phục vụ. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề và gây ra các hạn chế trong giao dịch. Vì vậy, các công ty tài chính tiêu dùng đã phải tích cực triển khai số hoá vận hành, chuyển đổi mọi thứ lên nền tảng trực tuyến, đặc biệt là số hóa việc chăm sóc khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành tài chính nói riêng. Song, đây lại là tác nhân tích cực thúc đẩy tiến trình số hóa nhanh hơn bởi sự cấp thiết của việc duy trì hoạt động lưu thông tiền tệ thường xuyên, liên tục.
Về vấn đề này, ông Đinh Hồng Sơn, Chuyên gia tài chính số khuyến nghị, để đáp ứng những thách thức đặt ra, các ngân hàng, các công ty tài chính phải có tầm nhìn rõ ràng về vị trí của mình trong bối cảnh cạnh tranh và vai trò mà mình hướng tới.
“Khi người tiêu dùng ngày càng chuyển sang sử dụng các kênh kỹ thuật số để phục vụ cho các mục tiêu tài chính của họ, các công ty tài chính tiêu dùng phải cân nhắc cẩn thận và vạch ra lộ trình cụ thể. Trong đó, nên áp dụng mô hình bán hàng đa nhiệm thông qua việc hợp tác với các chuỗi bán lẻ lớn trên toàn quốc, tận dụng lực lượng bán hàng thuộc các đối tác. Cụ thể, toàn bộ quy trình bán hàng hoàn toàn được số hóa từ việc lên hồ sơ, kỳ hợp đồng điện tử, thẩm định, duyệt vay..., đảm bảo thông tin được xử lý một cách bảo mật và đồng bộ. Điều đó không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nhân lực mà còn thu hút lượng lớn khách hàng”, ông Sơn phân tích.
Chuyển đổi số tài chính tiêu dùng mạnh mẽ khắp thế giới
Thị trường tài chính tiêu dùng toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR 5% về giá trị, đạt hơn 1306,1 tỷ USD vào năm 2026. Trong đó, tài chính tiêu dùng đề cập đến các quyết định mà các hộ gia đình đưa ra theo thời gian về tiết kiệm, vay mượn và đầu tư. Hiện, các công ty đang phát triển công nghệ tiên tiến và tung ra các dịch vụ mới để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường như JPMorgan Chase & Co., Citigroup, Inc., HSBC Holdings plc, Bank of America Corporation, hay Ngân hàng Công thương Trung Quốc,...
Theo khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân độc quyền của McKinsey năm 2021 trên 20.000 người tại 15 thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, việc người tiêu dùng sử dụng các công cụ số hoá trong lĩnh vực tài chính đã bước vào giai đoạn tăng tốc, phần lớn được thúc đẩy bởi những đổi mới được đưa ra ở các thị trường mới nổi. Đồng thời, việc người tiêu dùng nhiệt tình sử dụng các công cụ Fintech cũng đã thúc đẩy sự thâm nhập của các giải pháp sáng tạo tăng cao.
Tại Anh, trong một báo cáo gần đây của Innovate Finance, lĩnh vực này đang phát triển với tốc độ chóng mặt, khi thu hút khoản đầu tư trị giá 5,7 tỷ USD (4,86 tỷ bảng Anh) chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021. Từ cách mạng hóa tính điểm tín dụng và hợp lý hóa quá trình xử lý thanh toán, Fintech đã và đang tiếp tục tạo ra tác động to lớn đến tài chính tiêu dùng.
David Beard, người sáng lập của Lending Expert cho biết, Fintech cho phép khách hàng sử dụng các ứng dụng mà công nghệ tiên tiến hơn nhiều, so với những gì mà các ngân hàng truyền thống có thể theo kịp.
“Sản phẩm cho vay cơ bản chắc chắn đang được số hóa nhiều hơn. Chúng tôi rất háo hức muốn thấy những cơ hội phát sinh từ các tổ chức tài chính số, có thể cung cấp tính năng chấm điểm tín dụng tốt hơn và các sản phẩm được cá nhân hóa hơn cho những hoạ động cho vay và thế chấp”, ông nói.
Thái Minh