Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 1.464,94 điểm, tương đương 5,9%, đóng cửa ở mức 23,553,22 điểm. Chỉ số này đã rơi vào thị trường "gấu" khi thấp hơn 20% so với mức đỉnh thiết lập vào tháng trước và chấm dứt đà tăng kể từ năm 2009 khi khủng hoảng tài chính kết thúc.
S&P 500 mất 4,9% còn 2.741,38 điểm và cũng tiến rất gần đến thị trường "gấu". Nasdaq Composite rớt 4,7% xuống 7.952,05 điểm và cũng thấp hơn khoảng 19% so với mức cao nhất mọi thời đại. Ở Phố Wall, mức giảm 20% so với khi lập đỉnh sẽ được coi là rơi vào thị trường "gấu". Tuy nhiên, nhà đầu tư không hề nhận ra điều này cho đến khi giờ đóng cửa phiên đã cận kề.
Đà tăng mạnh mẽ của Dow Jones kể từ năm 2009 đã đi đến hồi kết.
Đà giảm của Phố Wall tăng tốc ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến nay, số ca nhiễm bệnh trên thế giới đã lên tới hơn 121.000 người. Những con số tăng lên theo giờ càng càng khiến nhà đầu tư lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và lời kêu gọi về sự can thiệp của chính phủ ngày càng mạnh mẽ hơn.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất về mức thuế thu nhập sẽ giảm còn 0% cho đến cuối năm. Tuy nhiên, thời gian thực hiện vẫn đang được cân nhắc và chưa chắc chắn. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, người đứng đầu Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho biết việc cắt giảm thuế như vậy cần phải được xem xét.
Những phiên giao dịch trồi sụt của Dow Jones kể từ hôm 24/2.
Sự không chắc chắn xung quanh chính sách kích thích tài khóa, cùng với tình trạng nhu cầu đi lại sụt giảm cùng số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng lên đã gây áp lực cho cổ phiếu ngành hàng không và các công ty kinh doanh tàu du lịch. American, Delta, United và JetBlue đều giảm ít nhất 4,3%. Norwegian Cruise Line và Carnival lần lượt giảm 26,7% và 9,5%.
Cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh. Bank of America và JPMorgan Chase lần lượt giảm 4% và 4,7%. Citigroup mất 8,6% trong khi Morgan Stanley và Goldman Sachs đều giảm hơn 6,5%.