Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nặng đến nền kinh tế Việt Nam: Hàng triệu người dân phải ở nhà, trường học, doanh nghiệp bị đóng cửa. Các nhà máy, công xưởng bị tạm ngưng hoạt động, giao thông vận tải dừng lại. Mặc dù số người bị nhiễm bệnh Covid-19 còn rất ít so với trên thế giới và con số tử vong chưa có, tác động kinh tế vẫn rất nghiêm trọng.
Tiến sĩ kinh tế Đinh Trường Hinh hiện là Chủ tịch Công ty EGAT tại Virginia, Mỹ. Ông nguyên là chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó Chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Washington, Mỹ giai đoạn 1978 đến 2014.
Nghiên cứu của ông Đinh Trường Hinh tập trung vào các lĩnh vực tài chính công, tài chính quốc tế, công nghiệp hóa và phát triển kinh tế. Các tác phẩm đã đăng tải của ông có Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013) và Công việc làm, kỹ nghệ hoá và toàn cầu hoá (2017).
Người Đồng Hành xin giới thiệu bài viết của ông, đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cơ hội đẩy mạnh công kỹ nghệ Việt Nam.
Việc đầu tiên Chính phủ đã làm là thực hiện các biện pháp liên quan đến y tế để giảm và kiểm soát bệnh dịch và sau đó tiến đến các biện pháp kinh tế để hỗ trợ người lao động và giảm thiểu các tác động kinh tế.
Tôi xin bàn sâu vào các chính sách quan trọng và phù hợp để đẩy mạnh cho công kỹ nghệ (các hoạt động sản xuất) tại Việt Nam trong thời điểm Covid-19 này. Một mặt là tận dụng cơ hội này để nâng cao năng suất và mức lương cho các ngành nghề có giá trị cao trong nước khi hết nạn dịch. Mặt khác là để tránh tình trạng "nước đục thả câu" do một số các nước nhân cơ hội này đổ tiền vào mua các công ty nội địa hòng thao túng thị trường sau này, hoặc là để đem các máy móc cũ kỹ qua làm thiệt hại đến môi trường qua nước ta mà chính nước họ không thể dùng được nữa.
Cách chính sách ngắn và trung hạn cho công kỹ nghệ Việt Nam
Giúp người lao động nghèo đối phó với đại dịch Covid-19. Đại dịch ảnh hưởng xấu đến cả khu vực chính thức và không chính thức. Nhưng nhóm người dễ bị tổn thương nhất bao gồm những người lao động trong khu vực phi chính thức và/hoặc lao động bán thời gian, thanh niên không có kỹ năng và những người bỏ học ngang. Những tiểu thương hoặc bán lẻ bị hạn chế hoặc không tiếp cận được với mạng lưới y tế hoặc an toàn xã hội sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, và việc mất lương đột ngột trong quy mô lớn có thể khiến một số lao động nhập cư di chuyển từ thành phố đến nông thôn. Dịch Covid-19 kéo dài cũng có thể đe dọa an ninh lương thực, đặc biệt là đối với nhóm dễ bị tổn thương nhất.
Cần nhiều chính sách hỗ trợ cho công kỹ nghệ Việt Nam phát triển. Ảnh: LĐ.
Phân biệt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng của Covid-19. Đối với khu vực chính thức, cú sốc cầu ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) trong các lĩnh vực khác nhau, và vì vậy các chính phủ cần nhắm mục tiêu vào các DN bị ảnh hưởng xấu nhất trước tiên.Ưu tiên trong thời gian bị dịch là cung cấp thực phẩm, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm cho nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là những người bị nghỉ việc do đại dịch Covid-19 gây ra. Tại Việt Nam, một số người đã thiết lập máy ATM ở các thành phố lớn để phân phối gạo cho người nghèo. Ngoài ra, Chính phủ có thể thiết lập các chương trình làm việc tạm thời cho lao động nhập cư thất nghiệp, cấp các biện pháp xóa nợ cho các doanh nghiệp và cá nhân và giảm bớt thủ tục hải quan liên vùng để tăng tốc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa thiết yếu.
Có 3 loại DN: (1) các DN có nhu cầu liên tục (như cửa hàng tạp hóa và các sản phẩm y tế); (2) các DN phải đối mặt với nhu cầu bị mất (bao gồm nhà hàng, du lịch, giải trí, giao thông và du lịch); và (3) các DN phải đối mặt với nhu cầu chậm trễ (bao gồm các sản phẩm tiêu dùng và sản xuất và các dịch vụ kinh doanh liên quan). Các DN trong mục (1) ở trên không cần hỗ trợ, trong khi các DN trong mục (2) và (3) cần được hỗ trợ ưu tiên. Những DN trong mục (2) có thể được trợ cấp bằng tiền mặt, trong khi những DN trong mục (3) có thể được cho vay nhẹ lãi vì nhu cầu cho đầu ra của họ có thể sẽ trở lại.
Đại dịch Covid-19 cũng đã cho mọi quốc gia thấy tầm quan trọng của công kỹ nghệ nội địa cho nền an ninh quốc gia và tại sao một số nước đã khẳng định rằng các sản phẩm quan trọng đối với ngành y tế phải được sản xuất trong nước. Ở Mỹ, Tổng thống Trump đã dựa vào các quy luật thời chiến tranh để bắt các hãng xe hơi phải sản xuất máy thở (ventilator) kịp thời cho các bệnh viện.
Nhu cầu mới về các sản phẩm y tế liên quan đến Covid-19. Do sự kết nối toàn cầu, nguy cơ hồi sinh và lan tràn của Covid-19 rất cao nên không một quốc gia nào có thể tránh được dịch cho đến khi một vắc xin được tìm ra trên thế giới (tối thiểu 12-18 tháng nữa). Khi cả thế giới áp dụng các chiến lược phòng chống đại dịch này, nhu cầu toàn cầu về các sản phẩm y tế sẽ được duy trì ít nhất trong thời gian đợi có vắc xin, tạo ra cơ hội mới cho các công ty sản xuất ở Việt Nam. Tùy theo cách các DN sản xuất có thể đáp ứng nhu cầu này nhanh hay không, các DN Việt Nam có thể chiếm một vị trí thành công lâu dài trên thế giới bằng cách sản xuất nhiều loại sản phẩm y tế như sau:
Thiết bị y tế đơn giản bao gồm khẩu trang, găng tay, áo choàng và các thiết bị bảo vệ cá nhân để tránh truyền nhiễm (Personal Protection Equipment, gọi tắt là PPE) tất cả đều có thể được sản xuất tại Việt Nam bởi nhân công Việt Nam. Để vượt qua suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tận dụng sự thiếu hụt trầm trọng của các sản phẩm này bằng cách điều chỉnh dây chuyền sản xuất của nhà máy và đào tạo lại lực lượng lao động của họ để sản xuất các sản phẩm y tế đơn giản cho các bệnh viện địa phương hoặc xuất cảng. Các công ty sản xuất nhẹ tại Việt Nam có thể làm điều này trong ngắn hạn.
Các thiết bị y tế phức tạp hơn, bao gồm giường bệnh viện, dụng cụ y tế bao gồm máy thở và phương tiện vận chuyển y tế như xe lăn, xe tải và xe cứu thương, có thể được sản xuất bởi các DN trong các ngành kim loại, máy móc, điện tử, ôtô và bộ phận máy bay. Điều này đã được thực hiện ở các nước khác, cụ thể là ở Mỹ khi các nhà sản xuất phụ tùng ôtô và máy bay điều chỉnh dây chuyền sản xuất để sản xuất máy thở. Vì Việt Nam đã có các cụm ôtô, các DN có thể đa dạng hóa các loại thiết bị y tế và phương tiện này. Các sản phẳm này cũng phù hợp với ý định tự túc trong vấn đề an ninh quốc gia, mà bối cảnh khủng hoảng của Covid-19 đã đem lại như đã nói ở trên.
Nhiều sản phẩm y tế cần thiết để chống Covid-19 được sản xuất với các công nghệ có sẵn mà các công ty ở bất cứ đâu cũng có thể mua, nếu họ có kỹ năng và biết cách dùng các công nghệ này. Việc trang bị lại nhà máy (retooling) có thể được Chính phủ khuyến khích thông qua: (1) tín dụng của Chính phủ để các công ty có thể tiếp tục trả lương cho công nhân trong khi họ trang bị lại; (2) làm dễ dàng việc truy cập thông tin và các tài liệu về công nghệ, kể cả nguồn và nơi để mua nguyên liệu thô và các đầu vào trung gian khác; và (3) kết nối giữa các bên (DN cung cấp, cơ sở y tế và những người mua). Trên nguyên tắc, các DN sản xuất tại Việt Nam đều có thể làm vậy, nhưng họ bị hạn chế ở điểm (2) và (3) do đó phải cần Chính phủ giúp đỡ.
Nhu cầu cho các địa điểm sản xuất mới ở ngoài Trung Quốc. Mặt khác, Covid-19 đã đem lại một cơ hội quý báu cho DN Việt Nam. Khi thế giới đã nhận thức ra về mối nguy hiểm về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với tất cả các sản phẩm được sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu (global value chains), từ vật tư y tế và máy thở đến iPhone, người mua và nhà đầu tư trên khắp thế giới đang và sẽ tìm kiếm các địa điểm sản xuất ở ngoài Trung Quốc.
Việt Nam có một "cơ hội bằng vàng" để chứng tỏ mình là một địa điểm sản xuất tốt nhất trong chuyện này. Nếu các DN nước ta có thể vượt qua được giai đoạn suy thoái, họ sẽ tạo ra một lực lượng lao động đủ lớn, được đào tạo bài bản với các chi phí cạnh tranh thấp, có thể thực hiện hiệu quả các đơn đặt hàng lớn cho các sản phẩm công nghệ cao và trung bình. Vấn đề của các DN này là họ thường thiếu đào tạo kỹ thuật cho lực lượng lao động, phần lớn là do họ không muốn đầu tư vào đào tạo sợ tốn kém. Để giải quyết điều này, Chính phủ cần cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo cho người lao động trong thời kỳ suy thoái.
Vấn đề FDI trong thời gian đại dịch. Vừa qua, Ấn Độ đã tỏ ra lo ngại về việc các DN Trung Quốc (DN TQ) đang thừa cơ nạn dịch Covid-19 mà đổ tiền qua mua các doanh nghiệp trong nước đang bị khủng hoảng hòng có thể thao túng thị trường kinh tế Ấn Độ về sau này. Đó là chưa kể họ còn ngại các DN TQ nhân cơ hội này đem các máy móc lạc hậu cũ kỹ có nguy hại đến môi trường mà chính phủ TQ cấm dùng trong nước qua đó.
Vì thế, Ấn Độ đã ra một đạo luật là trong thời gian Covid-19 thì tất cả các đầu tư từ các nước láng giềng phải được chính phủ Ấn Độ chấp nhận chứ không phải tự động đi vào như trước đây. Điều này thì Mỹ cũng đã làm từ lâu. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) là một ủy ban liên ngành được thành lập từ 1975 để duyệt xét đầu tư tư nước ngoài, chủ yếu là TQ, lúc đầu là do lý do an ninh nhưng trong mấy năm gần đây thiên về thương mại và kinh tế nhiều hơn.
Cũng tương tự như Ấn Độ, vừa qua, 2 nước Úc và Đức đều tuyên bố là trong thời kỳ đại dịch Covid-19, tất cả đầu tư từ nước ngoài phải được Chính phủ xem xét để tránh trường hợp các nước khác thừa cơ hội "nước đục thả câu".
Dịp Covid-19 cũng chính là một "cơ hội bằng vàng" để các kinh tế gia Việt Nam có cơ hội phân tách ảnh hưởng của TQ đối với nền kinh tế Việt Nam. Từ đó, Chính phủ phải lập ra một chương trình rõ ràng, thiết thực, và có thể giám sát để trong một thời gian có thể giảm thiểu các ảnh hưởng từ một thị trường, nhất là các đầu vào về chất xám cũng như về vật liệu và thay vào đó các nguồn từ trong nước hoặc từ các nước khác.
Những chính sách có ảnh hưởng lâu dài đến công kỹ nghệ Việt Nam
Vấn đề Việt Nam đang gặp không phải là thiếu vốn đầu tư mà là thiếu kém về chất lượng đầu tư và thiếu đầu tư vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Những lĩnh vực này là những ngành công kỹ nghệ cao có thể đem lại giá trị sản xuất cao hơn và tận dụng trí tuệ của người Việt Nam. Việt Nam cần phải rà soát lại những đầu tư nước ngoài để chú trọng hơn về chất lượng và phải làm sao giúp các công ty nội địa (Việt Nam) nối kết.
Cụ thể, chúng ta phải khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn của những lĩnh vực này để hoàn thiện chuỗi giá trị cung ứng; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; nâng tỷ lệ nội địa hóa, và ngăn chặn đầu tư (hoặc đem các máy móc cũ) có hại hay có ảnh hưởng xấu cho môi trường.
Mục đích chính là giúp các công ty tư nhân trong nước được lớn mạnh và cạnh tranh thành công trên thế giới. Điều này đòi hỏi những cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters); đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ. Tôi đã trình bày những rào cản cho sự phát triển kỹ nghệ Việt Nam trong cuốn sách "Light Manufacturing in Vietnam" (Phát triển công kỹ nghệ nhẹ tại Việt Nam) do Ngân hàng thế giới xuất bản.
Quan trọng nhất vẫn là chất xám của người Việt Nam. Do đó, để thu hút các nhà đầu tư và một mặt khác để vượt lên trên bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải có những cải tổ đột phá về giáo dục và về đào tạo trường dạy nghề. Đã có biết bao nhiêu là những báo cáo nói về đề tài này nhưng những cái cách đó vẫn chưa được thực hiện. Chẳng hạn trong cuốn sách về Việt Nam ở trên, tôi đã đề nghị một số biện pháp chính sách cần được triển khai để tăng số lượng và chất lượng công nhân có tay nghề, giúp nền kinh tế vươn lên mức cao hơn trên bậc thang giá trị gia tăng.
Để có một nền kinh tế bền vững dựa trên trí tuệ thay vì tay chân, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực bằng cách cải tổ để tăng cường phối hợp giữa các bộ chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo nghề; giảm bớt kiểm soát các trường đại học và trường dạy nghề; tăng cường tự chủ của các trường này, nhất là trong việc sửa đổi giáo trình cho phù hợp với đòi hỏi trên thị trường lao động; tăng cường liên kết nhà trường với doanh nghiệp; định hướng nhu cầu đào tạo nghề và nhu cầu của doanh nghiệp cũng như có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập.
Tóm lại, dịch Covid-19 là một thách thức lớn cho kinh tế Việt Nam nhưng với các biện pháp cách ly xã hội đã và đang dần được tháo gỡ, Việt Nam cần giúp đỡ các người lao động nghèo và tận dụng cơ hội để chuyển hướng sản xuất và nâng cao năng suất cho các ngành nghề có giá trị cao trong nước khi hết nạn dịch. Mặt khác, chúng ta cần nhanh chóng tránh tình trạng "nước đục thả câu" do một số nước nhân cơ hội này đổ tiền vào mua các công ty nội địa hòng thao túng thị trường sau này, hoặc là để đem các máy móc cũ kỹ qua làm thiệt hại đến môi trường qua nước ta. Các biện pháp định hướng lại kinh tế cần được giới thiệu, công bố rộng rãi để người lao động, doanh nghiệp và toàn xã hội được biết, nhằm phục hồi niềm tin vào tương lai sau dịch Covid-19.