Cụ thể, đại diện Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần từ 9 - 16/4 tăng mạnh và lên mức cao nhất 8 tháng.
Theo đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện khoảng 375-380 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 8/2019 và cao hơn nhiều so với mức 361-365 USD/tấn cuối tháng 3 vừa rồi.
Được biết, nguyên nhân của mức tăng trên là do sau 3 tuần bị gián đoạn xuất khẩu do phong tỏa quốc gia để chống dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã được khôi phục. Ngay lập tức các doanh nhân nước này ký ngay được nhiều hợp đồng mới.
Tại Thái Lan, trái ngược với Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của nước này được ghi nhận giảm mạnh, xuống còn 530-538 USD/tấn. Nguyên nhân là do một số tỉnh trồng lúa chủ lực ở Thái Lan đã có mưa, điều này làm giảm mối lo ngại về sự sụt giảm sản lượng. Qua đó, kéo giá gạo của Thái Lan giảm xuống khỏi mức quá cao như vừa qua (cao nhất kể từ tháng 4/2013).
Về phía Việt Nam, Bộ Tài chính có công văn yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng lộ trình phù hợp trong bối cảnh diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới ngày càng phức tạp. Cùng với đó là kế hoạch an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế sau đại dịch.
Được biết nguyên nhân của động thái trên là do, Bộ Tài chính đánh giá phương án điều hành của Bộ Công Thương là chưa phù hợp, có thể khiến DN xuất khẩu bị động.
"Với phương án điều hành được nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương, doanh nghiệp rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí có thể phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng gạo được xuất khẩu", Bộ Tài chính cho hay.
Ngoài ra, cũng theo văn bản nêu trên, Bộ Tài chính đánh giá, Bộ Công Thương chỉ lập đoàn liên ngành, làm việc nửa ngày với địa phương, DN xuất khẩu về nguồn cung lúa gạo là chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng.
Sau động thái trên, ngày 15/4, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT. Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu Bộ Tài Chính "công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4-2020".
Cũng theo văn bản trên, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT cho ý kiến về việc gạo nếp có tính trong lượng gạo dự trữ phục vụ an ninh lương thực quốc gia hay không? Trả lời vấn đề trên, Bộ NN&PTNT kiến nghị, tiếp tục cho phép xuất khẩu lượng gạo nếp hàng hóa của vụ Đông Xuân 2019 – 2020.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ Bộ Công Thương, mới đây, cơ quan này tiếp tục lập đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động xuất khẩu gạo tháng 4 để lên kế hoạch tháng 5. Nguyên nhân là do, trong những ngày qua, Bộ Công Thương liên tục nhận được nhiều văn bản của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phản ánh việc đăng ký tờ khai hải quan đã xuất hiện một số bất cập.
Theo đó, thương nhân không được thông báo về thời gian bắt đầu tiếp nhận tờ khai xuất khẩu nên không đăng ký được kịp thời, hoặc không tiếp cận được hệ thống (báo lỗi).
"Cá biệt có trường hợp đã đăng ký được nhưng sau đó lại bị mất tờ khai trên hệ thống… Bộ Công Thương cũng đã có văn bản số 2683/BCT-XNK ngày 15/4/2020 gửi Bộ Tài chính triển khai về việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020. Theo đó, đã chuyển Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo đúng chức năng, thẩm quyền được giao đối với phản ánh, kiến nghị của các thương nhân xuất khẩu gạo", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Theo nhận định của giới chuyên môn việc các Bộ ngành thể hiện sự thiếu phối hợp, thiếu thông tin đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản.