Tập đoàn Charoen Pokphand Food của Thái Lan đang tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đánh dấu một trong những bước chuyển mình đầu tiên, tiếp cận các quốc gia Đối tác xuyên Thái Bình Dương kể từ khi hiệp ước CPTPP có hiệu lực vào đầu năm.
CP Food là công ty con của tập đoàn lớn nhất Thái Lan - Charoen Pokphand Group. Công ty này từng tuyên bố mình là "nhà bếp của thế giới", với sự hiện diện ở 17 quốc gia. Trước đó, CP Food cũng đã tuyên bố mua lại tập đoàn sản xuất thịt lợn Hylife của Canada với giá 498 triệu CAD (372,79 triệu USD), thâm nhập sâu hơn vào thị trường Bắc Mỹ. CP Food sẽ chiếm 50,1% công ty Canada, đối tác Nhật Bản Itochu nắm phần còn lại.
CP Food sẽ đầu tư hơn 200 triệu USD để xây dựng một trung tâm chế biến thịt gia cầm và thịt lợn xuất khẩu. Giá trị của dự án này bằng hơn 25% tổng số vốn đầu tư của các công ty Thái Lan trong giai đoạn 2015-2017.
Việt Nam vào tháng 11/2018 đã trở thành quốc gia thứ bảy phê chuẩn CPTPP. Trước đó, các nhà kinh tế kỳ vọng thỏa thuận này sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam thêm 4%. Tuy nhiên con số 4% đã được điều chỉnh giảm sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận vào tháng 1/2017.
Thái Lan vẫn chưa tham gia CPTPP. Vì vậy, CP Food đang hy vọng sẽ tận dụng được CPTPP thông qua Việt Nam. Hiệp định này sẽ cung cấp các điều khoản thương mại có lợi cho Việt Nam với các nước như Nhật Bản và Úc, cũng như Mexico và Canada. CP Food sẽ sử dụng Việt Nam làm trung tâm xuất khẩu gà và tôm.
Đầu tư của CP Food là ví dụ mới nhất về việc các công ty Thái Lan mở rộng sang các nước láng giềng có tiềm năng tăng trưởng. Xu hướng này đang nuôi dưỡng một loạt các ngành công nghiệp ở khu vực sông Mê Kông.
Dữ liệu từ ASEAN cho biết, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đạt khoảng 780 triệu USD trong giai đoạn 2015-2017, tăng gấp ba lần so với giai đoạn 2010-2012.
Năm 2018, doanh thu từ thị trường nước ngoài của CP Food chiếm 67% tổng doanh thu 17 tỷ USD, tăng từ mức 16% năm 2008. Ông Montri Suwanposri, CEO của CP Vietnam, một đơn vị của CP Food, cho biết đến nay công ty ông đã đầu tư tổng cộng 1 tỷ USD vào Việt Nam kể từ năm 1993.
CP Food sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, chiếm 15% trong tổng doanh thu của công ty, bằng cách đầu tư thêm vào các nhà máy chế biến thịt. Nhà máy chế biến gia cầm hoàn thành sẽ có công suất chế biến 1 triệu con gà mỗi tuần. Tổng sản lượng thịt gà từ các hoạt động của CP Food tại Việt Nam vẫn thấp hơn đơn vị Thái Lan, nhưng công ty có kế hoạch nâng cao năng lực nhà máy tại Việt Nam trong tương lai.
CP Food đặt mục tiêu bắt đầu xuất khẩu thịt, cũng như tôm và cá, với hầu hết tất cả các loại thịt chế biến được đặt từ Việt Nam sang Nhật Bản, Trung Đông, Liên minh châu Âu và các nước khác.
Nhà phân tích tại Bualuang Securities, một công ty chứng khoán hàng đầu ở Thái Lan nhận định: "CP Food sẽ biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu, để hưởng đặc quyền thuế và xóa bỏ hạn ngạch xuất khẩu thông qua CPTPP. Ví dụ, Thái Lan có hạn ngạch xuất khẩu thịt gà sang EU. Nếu như họ đã sử dụng hết hạn ngạch từ Thái Lan, họ có thể xuất khẩu nhiều hơn bằng cách sử dụng hạn ngạch của Việt Nam."
Giám đốc điều hành CP Việt Nam Montri cho biết Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan về xuất khẩu. Việt Nam cũng có chi phí lao động thấp hơn. Theo dữ liệu từ Tổ chức Thương mại Đối ngoại Nhật Bản, một công nhân sản xuất Việt Nam kiếm trung bình 227 USD một tháng, thấp hơn nhiều so với 413 USD của Thái Lan và 493 USD của Trung Quốc.
CP Food cũng đang lên kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu tôm với sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam. Công ty đang xem xét tăng công suất nuôi tôm ở Việt Nam lên 50 tỷ đơn vị mỗi năm (hiện tại đang là 12 tỷ một năm). Một giám đốc điều hành phụ trách các sản phẩm thủy sản tại CP Việt Nam cho biết, để đạt được điều đó, CP Food sẽ tăng năng lực sản xuất thức ăn tôm hàng năm từ 300.000 tấn lên 500.000 tấn vào năm 2019.
Trong năm tài chính tính đến tháng 12/2018, doanh số bán hàng tại Việt Nam của CP Food đã tăng 26% so với năm ngoái lên 81,7 tỷ baht (2,56 tỷ USD). Ở Thái Lan, doanh thu của công ty này không có nhiều sự cải thiện.