Thông tin về ông trùm bí ẩn Thái Lan gần đây mua lại tạp chí Fortune với giá 150 triệu USD đã gây nhiều chú ý. Danh tính của vị này là Chatchaval Jiaravanon – thành viên của gia tộc Chearavanont – một trong những người giàu có nhất Thái Lan. Tài sản của gia tộc này tới chủ yếu từ Charoen Pokphand Group (CP Group) – một đế chế đa ngành nghề mà gia đình này sở hữu phần lớn.
Từ một cửa hàng hạt giống nhỏ mở vào năm 1921 trên đường Song Wat, Bangkok, CP đã phát triển trở thành một trong những công ty tư nhân hùng mạnh nhất Thái Lan với hơn 200 chi nhánh trên khắp thế giới, sử dụng 300.000 lao động. Năm ngoái, doanh thu của công ty đạt 1,8 nghìn tỷ baht (tương đương 54 tỷ USD). Họ cung cấp cho người tiêu dùng mọi thứ từ hợp đồng bảo hiểm tới bít tết, thịt lợn, gà, ô tô, chuyến bay doanh nghiệp, dịch vụ điện toán đám mây và cả bất động sản.
CP tuyên bố mở cửa với những phương pháp quản lý hiện đại, thiết lập một viện lãnh đạo để chào đón những người ở bên ngoài và vị trí quản lý cấp cao trong công ty. Tuy nhiên, quyền lực chủ yếu vẫn nằm trong tay những người trong gia đình mà ở vị trí cao nhất chính là của Dhanin Chearavanont – chủ gia tộc – người khởi nghiệp đế chế từ 5 thập kỷ trước. Sau khi tái thiết vào năm ngoái, ông trở thành chủ tịch cấp cao của CP. Người con của ông trở thành chủ tịch và là lãnh đạo trẻ tuổi nhất.
Làm việc với chính phủ tại Thái Lan, Trung Quốc (nơi CP là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên sau khi Trung Quốc mở cửa vào năm 1978) hay bất kỳ đâu cũng thường đưa công ty vào những lĩnh vực mới.
Noppadol Dej-Udom – người nghiên cứu lâu năm về mô hình quản lý của công ty này nói rằng CP nhảy vào lĩnh vực viễn thông bởi chính phủ Thái cần giúp đỡ thiết lập đường điện thoại nhằm đáp ứng nhu cầu vào những năm 1990. Ngày 12/11 họ cũng được đệ trình là đơn vị thầu xây dựng đường tàu cao tốc 6,8 tỷ USD để nối sân bay bận rộn nhất Thái Lan – như một phần kế hoạch của chính phủ nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng.
Dẫu vậy, những đường tàu đó khác xa với mảng kinh doanh lớn nhất của CP là thực phẩm – cùng với mảng công nghiệp nông nghiệp chiếm tới 54% doanh thu toàn công ty. Mô hình kinh doanh gà liên kết theo chiều dọc – một trong những đế chế lớn nhất thế giới yêu cầu các nông dân nuôi gà bằng thức ăn của CP cho tới khi chúng đủ lớn để bước vào những trung tâm xử lý.
Tại nhà máy xử lý gà Korat của CP Foods, cách Bangkok vài giờ lái xe, rất nhiều loài gà được nuôi, giết và phân thành những bộ phận nhỏ bởi máy móc. Korat sản xuất 36.000 tấn sản phẩm thịt gà tươi mỗi năm và hơn 65.000 tấn sản phẩm nấu chín. Những miếng gà chiên giòn ở nhà máy này xuất hiện tại những cửa hàng KFC ở Anh trong khi đó các loại cánh gà lại được xuất tới Nhật Bản và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Các sản phẩm liên quan tới gà cũng được bán tại các cửa hàng 7-Eleven ở Thái Lan – chuỗi nhượng quyền độc quyền tại quốc gia này bởi CP All – chi nhánh bán lẻ của tập đoàn. Chuỗi nhượng quyền này có hơn 10.000 cửa hàng và kiểm soát 64% thị trường cửa hàng tiện lợi ở cả nước.
Tập đoàn này cũng cũng điều hành CP Lotus – một chuỗi đại siêu thị tại Trung Quốc cũng như cửa hàng bán buôn dưới thương hiệu Makro tại Thái Lan và Campuchia. Những cơ hội mới tại Ấn Độ và Việt Nam đang được thiết lập.
Không muốn bị tụt lại phía sau trong thời kỳ bùng nổ người dùng internet của khu vực, CP cũng đã đưa các nền tảng thương mại điện tử tại Thái Lan như wemall và weloveshopping.com vào vận hành. Tuy nhiên 2 website này quá nhỏ bé trong thị trường vốn bị thống trị bởi những gã khổng lồ như Lazada. Chưa kể một ông lớn Trung Quốc khác là JD.com cũng đang có tham vọng tại đây.
Theo chuyên gia phân tích thì một công ty đơn lẻ thường nhanh chân tận dụng lợi thế hơn so với các gã khổng lồ trong khu vực. Tuy nhiên, CP luôn bắt kịp những xu hướng. Hàng loạt công ty hàng đầu của họ đã niêm yết tại Thái Lan gồm CP Food, CP All và True – công ty viễn thông lớn nhất. Trung bình những công ty này mang về mức lợi nhuận cho cổ đông ở mức 40% trong giai đoạn 2007 – 2016 – mức tốt nhất trong số những công ty ở Đông Á và Ấn Độ.
Khi vươn vòi ra nhiều lĩnh vực, công ty cũng đối mặt với một vài rủi ro. Việc vận hành hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực vẫn khó khăn và hàng loạt những bê bối gần đây đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của tập đoàn. 4 năm trước họ đã cáo buộc các nhà cung cấp cho CP Food sản phẩm từ những trang trại nuôi tôm sử dụng nô lệ trên thuyền. Công ty hiện mua loại sản phẩm tương tự đắt hơn, có chứng nhận từ Việt Nam.
CP cũng vướng phải một vài ồn ào sử dụng lao động trái phép từ Myanmar. Tuy nhiên, chuyên gia Noppadol nói rằng chính kích thước khổng lồ của CP khiến họ dễ dàng trở thành mục tiêu của các chỉ trích. "Nếu bạn rung một chiếc chuông lớn nhất, nó sẽ tạo ra âm thanh to nhất".