Tuy có một số yếu tố dự kiến có thể gây sức ép với mặt bằng giá cả và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả tháng, đặc biệt là yếu tố mùa vụ do thời tiết chuyển mùa tại miền Bắc. Song trong tháng 4, nhiều mặt hàng thiết yếu ổn định giá, từ đó, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, CPI tháng 4 sẽ ổn định so với tháng 3.
Theo Cục Quản lý giá, một số yếu tố dự kiến có thể gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 4/2018, như: Nhu cầu một số hàng hóa, dịch vụ như giao thông công cộng, du lịch, may mặc... có thể tăng do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển nóng tại miền Bắc, kỳ nghỉ lễ dài dịp Giỗ tổ Hùng Vương và dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5). Vào thời gian này, nhu cầu người dân đi lễ đầu năm, du lịch tâm linh vẫn ở mức cao, kéo theo giá các dịch vụ đi lại, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng nhẹ.
Tuy nhiên, cũng có những yếu tố sẽ làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: giá lương thực, thực phẩm có thể sẽ giảm do các địa phương vào vụ mùa thu hoạch lúa. Việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động đột biến trong tháng. Vì vậy, Cục Quản lý giá dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2018 ổn định hơn so với tháng 3/2018.
Nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như thóc, gạo, thực phẩm tươi sống, phân bón urê, đường, thức ăn chăn nuôi... đều được dự báo giá cả ổn định hoặc giảm nhẹ. Thậm chí, khác với diễn biến thất thường của giá xăng dầu, giá gas (LPG) cũng được dự báo ổn định do nguồn cung trên thị trường thế giới tương đối ổn định. Trong rổ hàng hóa thiết yếu, giá thóc, gạo và mặt hàng tươi sống được dự báo ổn định hoặc giảm nhẹ là tin mừng đối với thị trường tiêu dùng.
Nhóm các mặt hàng dự báo giá cả có thể tăng do nhu cầu tăng cao là vật liệu xây dựng. Giá thép xây dựng dự báo có thể tăng do vào mùa xây dựng. Từ cuối tháng 2/2018, giá thép đã tăng khoảng 400 - 1.000 đồng/kg do tác động của giá phôi thép, thép phế liệu trên thị trường thế giới biến động tăng. Cùng với đó, xi măng được dự báo nhu cầu sẽ tăng mạnh, do đó giá cả có thể biến động.
Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến CPI tháng 4. Ngày 7/4, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định tăng giá xăng E5 RON92 tăng 592 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S: tăng 638 đồng/lít; Dầu hỏa: tăng 521 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S: tăng 425 đồng/kg. Là mặt hàng đầu vào của nền kinh tế, việc tăng giá xăng sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường. Một số ý kiến lo ngại tăng giá xăng sẽ khiến khó kiểm soát lạm phát.
Trước đó, CPI quý 1/2018 tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017. Sau 2 tháng đầu năm tăng, CPI đã quay đầu giảm vào tháng 3/2018 (giảm 0,27%). Trong 11 nhóm hàng hóa chính, có tới 8 nhóm giảm giá, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm trở lại sau dịp Tết.
Trước diễn biến trên thị trường, công tác điều hành giá rất được chú trọng. Kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sau cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá cuối quý I nhận định rủi ro về áp lực tăng giá chủ yếu đến từ yếu tố thị trường, như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu và một số nguyên liệu chính trên thị trường thế giới.
Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, đồng thời công bố giá cơ sở đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra giá, quản lý chất lượng, tránh gian lận trong kinh doanh xăng dầu... Đây được cho là các giải pháp để tránh những tác động bất lợi của giá xăng dầu tới CPI.
Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, dự báo các yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn và đề xuất các giải pháp căn cơ trong quản lý điều hành giá những tháng cuối năm.
Nhiều ý kiến đánh giá về cơ bản việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 vẫn có nhiều khả năng sẽ đạt được, tuy nhiên công tác quản lý, điều hành vẫn cần thận trọng với các yếu tố bất thường có thể tác động mạnh đến CPI bình quân năm 2018 và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 nếu chỉ số CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 ở mức cao.
Từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%), giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi...