Hiệu ứng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với nền kinh tế là khá tích cực. Song khoảng cách giữa cơ hội tiềm năng và hiện thực là một chặng đường dài khi CPTPP có quá nhiều vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý.
Các báo cáo đánh giá định lượng về tác động của CPTPP cho thấy Hiệp định mang lại nhiều hiệu ứng khá tích cực tới nền kinh tế. GDP tăng thêm 1,32%. Tác động này có thể sẽ lớn hơn nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ (GDP tăng thêm 2,01%). Tương tự như vậy, xuất khẩu có thể tăng thêm 4%, nhập khẩu sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6%.
Hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế
Mức xuất khẩu tăng thêm chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu với các nước trong CPTPP, trong khi đó mức nhập khẩu tăng thêm lại chủ yếu từ các nước ngoài khối. Theo kết quả này, nếu không có những cải cách đột biến, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc ngay cả khi có CPTPP. Điểm này rất đáng chú ý do việc nhập khẩu ngoài CPTPP có thể làm cho Việt Nam không được hưởng lợi nhiều vì quy định nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP.
Với một số ngành, phân tích chung cho thấy những ngành thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhiều hơn từ CPTPP. Nhưng với những ngành thâm dụng nhiều vốn, mức tăng trưởng sản lượng là không đáng kể (sản lượng tăng 0,8%, xuất khẩu tăng thêm 1,67%).
Ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng do lợi thế của ngành này kém so với một số đối tác như Australia và New Zealand và mức độ cắt giảm thuế quan so với mức MFN hiện nay là không nhiều. Sản lượng có thể giảm 0,3% và xuất khẩu giảm khoảng 8%. Ngành chế biến thực phẩm cũng bị ảnh hưởng mặc dù không đáng kể, tốc độ tăng trưởng sản lượng bị giảm đi so với việc không có TPP11 ở mức khoảng 0,3 đến 0,5 điểm %.
Nhóm ngành chế tác sử dụng nhiều lao động vẫn có lợi, sản lượng tăng thêm do CPTPP là từ 4-5%, và xuất khẩu tăng thêm từ 8,7-9,6%. Mở cửa ngành dịch vụ, đặc biệt là ngành dịch vụ tài chính có thể tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng của ngành này, nhưng do có tác động lan tỏa lớn, vẫn có tác dụng kích thích được tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Cơ hội lớn nhất của CPTPP là việc tiếp cận các thị trường xuất khẩu mới ở châu Mỹ cũng như tận dụng mức cam kết mở cửa sâu hơn với các FTA hiện nay. Tham gia CPTPP cũng sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có năng lực thỏa thuận cao hơn trong trường hợp Mỹ quay lại hoặc dự kiến có một thoả thuận song phương, cũng như khi Việt Nam tham gia vào các FTA khác. Đặc biệt hơn, CPTPP có thể giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại (chủ yếu xuất khẩu) vào một số đối tác truyền thống mà sự phụ thuộc đó có thể kéo theo sự phụ thuộc về các lĩnh vực khác. CPTPP với nền tảng là TPP12, cũng sẽ tạo sức ép lớn tới đổi mới thể chế trong nước.
Cam kết về "nguồn gốc xuất xứ" sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP. Khi thỏa thuận các FTA khác, có thể bị yêu cầu phải cam kết ngang bằng TPP11.
Những điểm cần lưu ý
Theo một nghiên cứu của ADB, tỷ lệ tận dụng được ưu đãi thuế quan của FTA với doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở mức (37%), không phải là quá thấp so với trung bình của ASEAN (25%). Tuy nhiên, để tận dụng được lợi ích từ CPTPP cần chú ý một số điểm sau:
Về thông tin về CPTPP, theo một nghiên cứu trước đây, tỷ lệ số doanh nghiệp biết về TPP là khá cao. Điều này là do công tác phổ biến thông tin chung về các hiệp định trong thời gian qua đã khá tốt, tuy nhiên giữa "biết" và "hiểu rõ và tận dụng được" là khoảng cách khá xa. Có hai nguyên nhân dẫn đến khoảng cách này.
Hiện nay về quản lý nhà nước đang thiếu một cơ quan hoặc bộ phận để doanh nghiệp có thể tra cứu các thông tin một cách chi tiết nhất liên quan đến ngành và lĩnh vực sản xuất cụ thể. Thông tin chung có thể có từ nhiều nguồn, nhưng cái doanh nghiệp cần là thông tin chi tiết lại chưa có. Thứ hai là, về phía doanh nghiệp việc thờ ơ với các chính sách vĩ mô hoặc hội nhập cũng không phải không có. Quan sát trong một số hội nghị phổ biến thông tin hội nhập cho thấy số lượng doanh nghiệp đặt câu hỏi hoặc chủ động tìm hiểu thông tin là không cao. Nhiều doanh nghiệp bỏ về giữa chừng.
Về cải thiện năng lực cạnh tranh, đây là một câu chuyện dài và có thể phân chia làm hai nhóm: doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hiện nay và tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong tổng xuất khẩu đang tăng cao (trên 70%) cho thấy đang có hai bức tranh trái ngược. Khu vực FDI sẽ vẫn là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ các hiệp định FTA do khả năng cạnh tranh cao hơn. Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước có thể đối mặt với nhiều thách thức hơn. Thách thức này không hoàn toàn từ hàng hoá nhập khẩu rẻ hơn mà còn cạnh tranh về sử dụng đầu vào, đặc biệt là vấn đề lao động.
Thực tế năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang tương đối thấp. Chỉ số năng lực cạnh tranh mặc dù mấy năm gần đây có thay đổi nhưng những chỉ số phụ cốt lõi đối với năng lực cạnh tranh là công nghệ, tính sáng tạo, hạ tầng đều thấp. Những chỉ số này cần rất nhiều thời gian để cải thiện.
Về cải thiện về tỉ lệ xuất xứ hàng hoá, do đặc điểm của cơ cấu kinh tế hiện nay là xuất khẩu kéo theo nhập khẩu, việc cải thiện tỷ lệ xuất xứ thực ra tương đối khó vì hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt được hỗ trợ bởi chiến tranh thương mại. Nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu từ các nước không thuộc CPTPP vì vậy sẽ tiếp tục là điểm nghẽn. Vấn đề này chỉ được giải quyết nếu trong thời gian tới thay đổi chiến lượng thu hút FDI để ưu tiên hơn với các dòng FDI sản xuất linh kiện và nguyên liệu hỗ trợ. Ngoài ra, cũng cần có đột phá trong việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trong năm 2019 chưa thấy những dấu hiệu cụ thể nào về vấn đề này.
——————————
(*)Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF)