Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, hàng nghìn dòng thuế quan chính thức được cắt giảm theo lộ trình...
Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
Một nội dung đáng lưu ý của hiệp định này đó là doanh nghiệp nhà nước. Theo điều khoản của CPTPP, các doanh nghiệp Nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp nhà nước không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư.
Việt Nam cũng cam kết minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố và Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Đối với Việt Nam, các nghĩa vụ của Hiệp định chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước vượt ngưỡng doanh thu nhất định.
Cụ thể, các doanh nghiệp nhà nước có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỷ đồng (vào thời điểm khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỷ đồng (khi Hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của Hiệp định.
Như vậy, với điều khoản này, một loạt các doanh nghiệp đầu ngành thuộc sở hữu nhà nước sẽ phải thay đổi cách thức hoạt động cho phù hợp với cam kết trong CPTPP.
Việt Nam bảo lưu loại trừ khỏi việc thực thi các quy định về doanh nghiệp của Hiệp định đối với tất cả các doanh nghiệp công ích, các hoạt động thực hiện các chương trình có ý nghĩa quan trọng chiến lược và các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh.
Riêng một vài doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an tham gia kinh doanh thông thường trên thị trường và có cạnh tranh với doanh nghiệp thông thường của các nước CPTPP thì vẫn phải tuân thủ cam kết.
Ngoài ra, Việt Nam cũng phải cung cấp thông tin về chính sách trợ cấp, cơ sở pháp lý, lãi suất cho vay khi có yêu cầu của thành viên CPTPP (khi có yêu cầu bằng văn bản, bao gồm giải thích các chính sách đó có thể gây ảnh hưởng tới thương mại hoặc đầu tư giữa các thành viên CPTPP)
Theo giới chuyên gia nhận định, điều khoản này của CPTPP sẽ giảm yếu vai trò của công ty quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng với khối doanh nghiệp tư nhân và khối FDI.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng cam kết này của Việt Nam rất phù hợp với định hướng cải cách, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ. Những lĩnh vực nào nhà nước không quá chú trọng thì nên chuyển cho tư nhân. Những lĩnh vực nào còn lại, phải làm việc hiệu quả hơn, và hiệu quả này dựa trên nguyên tắc cơ bản là cạnh tranh, minh bạch.
Vị chuyên gia đánh giá cam kết này cơ bản là phù hợp và có đóng góp quan trọng thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, đàng hoàng cho doanh nghiệp làm ăn và phát triển.
Theo ông Thành, nguyên tắc thị trường là cạnh tranh, việc thúc đẩy mạnh hơn cải cách doanh nghiệp nhà nước theo cam kết làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường, góp phần vào phát triển doanh nghiệp hiệu quả.
Vị chuyên gia cho rằng đây cũng là một cơ hội cho giới doanh nghiệp tư nhân vươn lên khẳng định vị thế. Sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân, trở thành đối trọng buộc các doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi cách làm ăn. Tuy nhiên, lý thuyết là vậy nhưng thực tế có thể sẽ không đơn giản.