CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018. Đối với Việt Nam Hiệp định có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2019. Từ góc nhìn an ninh, quốc phòng chúng ta có thể quan tâm đến một số vấn đề quan trọng sau đây.
Ảnh minh họa: Internet.
Cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 4/10 thành viên CPTPP (Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Australia); Đối tác toàn diện với 4/10 thành viên (Chile, New Zealand, Canada, Brunei); Mexico là đối tác chiến lược trên lĩnh vực lương thực, thực phẩm; Peru hướng tới hợp tác chiến lược.Từ khai thác những lợi ích…
Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ đối thoại quốc phòng, an ninh với 7/10 thành viên (Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore, Malaysia, New Zealand, Brunei); hợp tác quốc phòng an ninh với 3/10 thành viên (Mexico, Peru, Chile).
Trên cấp độ khác nhau về quan hệ hợp tác quốc phòng, an ninh với các thành viên CPTPP, Việt Nam đã cùng với các đối tác duy trì cơ chế đối thoại chiến lược, tham vấn; hợp tác đào tạo; tài trợ trang thiết bị; hợp tác an ninh (kể cả an ninh Biển Đông). Trong đó, Nhật Bản, Malaysia, Australia đã hợp tác với Hải Quân Việt Nam trong các hoạt động bảo đảm an ninh, cứu hộ, cứu nạn…
Nhật Bản là đối tác có tiềm lực quân sự lớn với trang bị hiện đại vào bậc nhất khu vực (máy bay chiến đấu tàng hình F-35, tên lửa tầm xa, tàu sân bay). Hải quân nước này đứng thứ 3 thế giới. Tokyo còn đang hướng tới việc sửa đổi luật để có thể đưa quân ra nước ngoài và có vị thế lớn hơn trong cấu trúc an ninh toàn cầu.
Australia đang khẳng định vai trò cường quốc hạng trung, có quân số chỉ 80.000 người, nhưng được trang bị phương tiện chiến đấu rất hiện đại; là quốc gia duy nhất (trừ Mỹ) sử dụng máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler hoạt động trên mặt đất và cũng là nước xuất khẩu vũ khí hiện đại.
Malaysia trong TOP 5 nước mạnh nhất Đông Nam Á về tiềm lực quân sự và thứ 44 trên thế giới. Mexico có tiềm lực quốc phòng giữ “vị trí thứ 2 Mỹ Latin, đứng thứ 31 thế giới”; Chile “đứng thứ 3 Mỹ Latin, xếp thứ 43 thế giới”; Peru “đứng thứ 5 Mỹ Latin và thứ 51 thế giới”.
Đây là những lợi ích an ninh từ CPTPP đưa lại mà Việt Nam cần có các chủ trương và biện pháp tích cực để khai thác có hiệu quả. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả bảo đảm an ninh quốc gia từ góc độ kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh; nội lực với ngoại lực; quốc gia với tập thể đối tác.
Đến chủ động xử lý những yếu tố tiền an ninh…
(1) Về thương mại điện tử, là một xu thế không thể đảo ngược, với nhiều tiện ích, nhưng nó cũng là mảnh đất màu mỡ cho buôn lậu, gian lận và hàng giả. Nguy cơ mất an ninh “ngày càng gia tăng với tính chất nghiêm trọng”. Nếu chúng ta không chủ động xử lý thì khi vận hành CPTPP tình hình còn có thể phức tạp hơn.
(2) Về đầu tư. Hiện Việt Nam đã có 26.500 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, đóng góp 20% GDP. Tuy nhiên, những yếu tố tiền an ninh đã xuất hiện như: (1) Mức độ kết nối, lan tỏa, chuyển giao công nghệ yếu; (2) Nhà đầu tư coi trọng lợi nhuận, trốn thuế, vi phạm môi trường còn phổ biến; (3) Các tập đoàn đa quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, nghiên cứu và phát triển còn ít; (4) Lợi ích người lao động và luật pháp bị vi phạm.
(3) Về Lao động và việc làm. Một trong những thách thức an ninh liên quan đến việc sửa đổi luật pháp về quyền thành lập “công đoàn độc lập”, sự quản lý và những nguyên tắc “tuân thủ pháp luật của nước sở tại” và Công ước 87 của Tổ chức Lao động Thế giới, mà Việt Nam cần phải quan tâm.
(4) Về xã hội. Khi sức ép cạnh tranh gia tăng, khiến những doanh nghiệp yếu kém phá sản, kéo theo sự thất nghiệp của những lao động dư dôi. Sự cộng hưởng của xu thế robot hóa sản xuất càng làm gia tăng sự thất nghiệp dẫn đến nguy cơ về an ninh con người.
(5) Về an ninh thông tin. Năm 2018, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với Việt Nam đã tới con số 642 triệu USD. Trên phạm vi toàn cầu khoảng 600 tỷ USD/năm (0,8% GDP). Việc điều chỉnh Luật An ninh mạng và một số văn bản pháp luật khác liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc lưu chuyển thông tin và đặt máy chủ tại Việt Nam làm sao để vừa bảo đảm an ninh quốc gia, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh kinh tế số là vấn đề tiền an ninh không thể coi nhẹ.
Hàng Việt tăng cơ hội vào 3 thị trường tiềm năng trong khối CPTPP VOV.VN -Hiệp định CPTPP có hiệu lực giúp tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt vào nhiều thị trường, trong đó có Canada, Mexico và Peru.
Bộ Công Thương lập kế hoạch 2 giai đoạn thực hiện Hiệp định CPTPP VOV.VN - Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định CPTPP sẽ được tập trung triển khai thực hiện tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước.
Và những giải pháp cần quan tâm…
Để CPTPP sớm phát huy hiệu quả tổng hợp. Trên góc độ an ninh, quốc phòng, chúng ta có thể và cần phải quan tâm đến một số giải pháp sau đây:
Một là, Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, đường lối về quân sự, quốc phòng, an ninh của Đảng trong Văn kiện Đại hội XII; tiếp tục đổi mới tư duy về xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh theo yêu cầu mới, nhất là với vấn đề mục tiêu, đối tượng, đối tác, không gian, thời gian của các tình huống mà an ninh, quốc phòng phải chuẩn bị đối phó.
Hai là, Đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức của các lượng quốc phòng, an ninh về thời cơ và thách thức từ CPTPP. Có chính sách thoả đáng để tạo nguồn lực và khai thác có hiệu quả nguồn lực mới đang tiềm ẩn thông qua các định chế của CPTPP. Nhất là nguồn lực trí tuệ, lao động chất lượng cao; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài có duy quân sự - quốc phòng, đột phá vào nguồn lực mới, khâu quan trọng của Công nghiệp 4.0 mà chúng ta sẽ tiếp cận thông qua CPTPP.
Ba là, Cần sớm cụ thể hoá việc đầu tư khai thác những sản phẩm, công nghệ, dịch vụ quân sự - quốc phòng “thông minh” “lưỡng dụng” của các thành viên CPTPP cho các lực lượng bảo vệ Tổ quốc bằng các phương thức mới, nhất là trong bối cảnh nhiều nước quan tâm đến an ninh Biển Đông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bốn là, Tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác, các cơ chế liên doanh, liên kết để thu hút các nguồn lực mới từ bên ngoài cho nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ cao trong các thành viên của CPTPP.
Năm là, Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa “lưỡng dụng” mà Việt Nam có nhu cầu và thế mạnh; gia tăng quản lý hoạt động thương mại quân sự, chủ động xử lý các tình huống “nhạy cảm” trong quan hệ quốc tế về thương mại; tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, chủ động tham gia thị trường hàng hóa quân sự thông qua CPTPP.
Sáu là, Cần sớm đầu tư vào những ngành mũi nhọn của quốc gia liên quan đến 4 xu hướng chính của Công nghiệp 4.0 như: phương tiện tự lái, in 3D, robot cao cấp, vật liệu mới và các công nghệ tích hợp khác. Theo đó, cần đầu tư cho hoạt động của các khu công nghệ cao, công viên phần mềm… đã và đang hình thành ở nước ta.
Điều quan trọng nhất là phải quán triệt quan điểm mới về đối tác, đối tượng, sự đan xen và chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng, đồng thời nhận rõ: “hội nhập là quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh và đấu tranh, chủ động dự báo và xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu” như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nêu ra./.