Thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, đến ngày 3/4/2019, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của 13 bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 đơn vị cấp địa phương về tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đó, các báo cáo gửi về Bộ Công Thương cho thấy, về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng kế hoạch theo 5 nhóm lĩnh vực chính, trong đó chú trọng việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP. Các địa phương và đơn vị cũng đã triển khai các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý,...
Theo ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đang nghiên cứu và biên soạn các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn chi tiết, sổ tay,… về một số nội dung cam kết quan trọng của CPTPP để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề có quan tâm.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 03 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định có hiệu lực ngày 8/3/2019. Mặc dù có hiệu lực sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam (14/1/2019), nhưng Thông tư 03 có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định trong thời gian từ ngày 14/1/2019 đến ngày 8/3/2019.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ KH-CN, Bộ Tài chính xây dựng hồ sơ Dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua. Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp nghị định và thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh, phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện Hiệp định...
Nhiều thách thức
Về CPTPP, trong chuyến công tác cuối tuần qua tại Tây Nguyên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc thực thi một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP với những cam kết rất cao trong tất cả các lĩnh vực đặt ra cho nền kinh tế đất nước và cộng đồng doanh nghiệp những thuận lợi mới, những thách thức mới. Thuận lợi tuy là cơ bản thế nhưng nếu không chuẩn bị nội lực thì chính chúng ta sẽ tự làm khó mình. “Không chỉ các bộ, ngành trung ương mà ngay cả các địa phương, cơ sở cần có những hiểu biết cơ bản về CPTPP để từ đó tạo sự đồng thuận, hiểu rõ trách nhiệm của mình để từ đó thực thi hiệp định CPTPP ở mức cao nhất, đem lại động lực phát triển mới”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Trong cuộc trao đổi với Tiền Phong mới đây, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương cho biết), Hiệp định CPTPP không chỉ đem lại lợi ích và cơ hội cho Việt Nam mà còn đặt ra những thách thức nhất định. Theo đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ chịu thách thức cạnh tranh rất lớn.
Cụ thể, thịt lợn, thịt gà sẽ là những nông sản mà một số nước CPTPP có thể sẽ tạo sức ép với hàng Việt, dù Việt Nam đã bảo lưu được lộ trình thực hiện tương đối dài (với một số chủng loại thịt gà là trên 10 năm). Các mặt hàng công nghiệp như giấy, thép, ô tô được dự báo sẽ gặp khó khăn. Cơ quan quản lý cho rằng, 10 - 15 năm tới, sản phẩm của ta vẫn chủ yếu hướng đến phân khúc thị trường trung bình, trong khi sản phẩm của các nước CPTPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp nhưng rủi ro thực tế sẽ thường đến nhanh hơn dự báo.
Theo dự báo, cạnh tranh sẽ gia tăng khi Việt Nam tham gia CPTPP. Có thể một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu lâm vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), một bộ phận lao động sẽ thất nghiệp.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ USD năm 2018 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD.
Thục Quyên