Động thái trên được đưa ra sau vụ sụp đổ của Greensill Capital do SoftBank hậu thuẫn vào tháng 3, khiến Credit Suisse rơi vào tình trạng hỗn loạn. Vụ việc cũng diễn ra ngay sau khi văn phòng gia đình Archegos Capital Management vỡ nợ và ngân hàng Thụy Sĩ mất 5,5 tỷ USD. Kể từ đó, Credit Suisse cho biết sẽ nỗ lực giảm thiểu rủi ro.
Từ lâu, Son đã sử dụng dịch vụ của Credit Suisse và các ngân hàng khác để vay tiền nhờ thế chấp cổ phần lớn trong SoftBank. Mới đây vào tháng 2, ông đã cầm cố khoảng 3 tỷ USD cổ phần trong công ty để thế chấp cho khoản vay với Credit Suisse. Đây là một trong những khoản nợ lớn nhất đối với bất kỳ ngân hàng nào, theo hồ sơ chứng khoán Nhật Bản. Mối quan hệ cho vay cầm cố này đã kéo dài gần 20 năm. Đến tháng 5, khoản vay trở về con số 0.
Ngoài ra, Credit Suisse cũng chấm dứt mối quan hệ với SoftBank với tư cách là một khách hàng doanh nghiệp, theo nguồn tin thân cận. Credit Suisse đang yêu cầu bất cứ doanh nghiệp nào có liên quan đến SoftBank cần phải trải qua quá trình kiểm duyệt chặt chẽ.
Tập đoàn Nhật Bản đã đầu tư vào hàng chục công ty công nghệ trên khắp thế giới và là một trong những "nguồn cung cấp" những khoản vay, giao dịch lớn cho các ngân hàng trên Phố Wall. SoftBank hậu thuẫn cho nhiều công ty trong giới công nghệ, từ dịch vụ gọi xe Uber Technologies đến các nhà phát triển thuốc và thiết kế chip. Công ty cũng chịu sự thất bại lớn, điển hình là trường hợp của WeWork.
Credit Suisse từng làm cố vấn tài chính cho SoftBank và các công ty được Quỹ Vision hậu thuẫn. Họ cạnh tranh với những nhà băng khác để bảo lãnh các công ty đó thực hiện niêm yết huy động vốn qua những hình thức khác. Về nhiều mặt, SoftBank và Son là kiểu khách hàng điển hình mà Credit Suisse muốn nhắm tới. Ngân hàng này đặt mục tiêu triển khai các khoản vay cá nhân đối với các doanh nghiệp giàu, từ đó phát triển thành những giao dịch lớn hơn và kiếm lời từ cổ phần công ty họ.
Song, nguồn tin thân cận tiết lộ, mối quan hệ giữa Credit Suisse và SoftBank căng thẳng hơn trong những tháng gần đây do vụ sụp đổ của Greensill. Hồi tháng 5, Bloomberg đưa tin rằng Credit Suisse sẽ không thực hiện bất kỳ thương vụ làm ăn mới nào với tập đoàn Nhật Bản.
Vấn đề xuất hiện vào mùa hè năm 2020, khi các giám đốc điều hành ngân hàng Thụy Sĩ xem xét những xung đột lợi ích tiềm ẩn xung quanh khoản tiền 10 tỷ USD của các quỹ đầu tư mà ngân hàng này cùng Greensill điều hành. Một khoản đầu tư của SoftBank vào một trong những quỹ đó về cơ bản khiến tập đoàn này vừa là người cho vay vừa là người cho vay, bởi các công ty khác mà họ đầu tư cũng nhận được hỗ trợ. Softbank đã mua lại khoản đầu tư đó sau đợt xem xét và Credit Suisse cam kết bảo vệ nhà đầu tư.
Tháng 3, Credit Suisse đã đóng băng hoạt động của các quỹ liên quan tới Greensill khi công ty này mất khả năng chi trả một loại bảo hiểm tín dụng. Động thái này khiến Greensill rơi vào tình trạng phá sản và Credtit Suisse nỗ lực thu hồi tiền mặt cho nhà đầu tư của các quỹ này. Hiện tại, ngân hàng đã lấy lại được một nửa số vốn 10 tỷ USD của nhà đầu tư.
Một phần trong số đó tập trung vào những công ty được SoftBank hậu thuẫn, bao gồm cả công ty công nghệ xây dựng Katerra. Công ty này nợ các quỹ của Credit Suisse 440 triệu USD. Khi Katerra gặp khó khăn về tài chính vào năm ngoái, Greensill đã xóa nợ.
Trong khi đó, SoftBank đầu tư 440 triệu USD vào Greensill, kỳ vọng số tiền này sẽ đến tay các nhà đầu tư của quỹ Credit Suisse. Thay vào đó, Greensill đưa số tiền đầu tư của SoftBank vào một ngân hàng mà quỹ này sở hữu ở Bremen (Đức) để tăng vị thế vốn và tài trợ cho các hoạt động của cả quỹ.
Masayoshi Son được mệnh danh là tỷ phú "liều ăn nhiều". Ông đã mạnh tay đầu tư vào nhiều công ty khác nhau và thường sử dụng cổ phần trong SoftBank (hiện nắm giữ gần 30%) để cầm cố cho các khoản vay.
Son và các phương tiện liên quan đã giảm tổng số cổ phiếu SoftBank được cầm cố từ 271 triệu xuống 197 triệu trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. Các nhà cho vay khác của ông bao gồm: Nomura, UBS và Mizuho.
Tháng 3 năm ngoái, tỷ lệ cổ phần trong SoftBank của Son được mang đi thế chấp tăng lên tới 72% do giá cổ phiếu giảm mạnh và các ngân hàng yêu cầu tăng tài sản cầm cố. Kể từ đó, cổ phiếu tập đoàn Nhật Bản tăng giá gấp 3 lần và hiện lượng cầm cố của Son chỉ dưới 40%.
Tham khảo Wall Street Journal