CTCK VPBS: Mặt bằng cổ phiếu lấy lại sự đồng thuận, chờ đợi yếu tố thúc đẩy từ nhóm dẫn dắt:
Thị trường tiếp tục thiếu vắng động lực dẫn dắt trong phiên cuối tuần khi nhóm ngân hàng tiếp tục trạng thái cầm chừng mặc dù giao dịch có phần tích cực hơn ở một số mã. Nhóm trụ tiếp tục trạng thái phân hóa mạnh và động lực nâng đỡ chỉ số đã có sự thay đổi nhỏ khi có thêm sự giúp sức của VRE. Chúng tôi ghi nhận được sự thay đổi tích cực hơn hẳn ở mặt bằng cổ phiếu trong vài phiên gần đây khi mà lực cầu hoạt động mạnh hơn hẳn 2 tuần trước. Đà giảm ở nhiều nhóm cũng đã dừng lại và đồng loạt hồi phục nhất quán. Đây là trạng thái tốt cho thị trường phản ánh sự bứt phá sẽ sớm diễn ra trong thời gian tới.
Chiến lược giao dịch: Tăng tỷ trọng cổ phiếu đón sóng KQKD quý 1 và nửa đầu năm với sự tập trung ở nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán.
Nhà đầu tư ở thị trường phái sinh có thể xem xét theo đuổi chiến lược mở vị thế LONG ở vùng 1.170 và đóng ở 1.180 điểm đối với các giao dịch ngắn hạn T0 trong khi có thể giữ lâu hơn ở các vị thế dài hơn với kỳ vọng bứt phá của chỉ số cơ sở.
CTCK Rồng Việt: Nhóm vốn hóa lớn cần một thời gian tạm nghỉ sau giai đoạn tăng nóng
Nhiều khả năng nhóm vốn hóa lớn cần một thời gian tạm nghỉ sau giai đoạn tăng nóng, trong khi nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ, vốn bị "bỏ rơi" trước đó, lại đang cho thấy triển vọng tăng trưởng rất khả quan. Các doanh nghiệp sản xuất điện là một ví dụ điển hình.
Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp này sẽ hưởng lợi khi giá phát điện thị trường cạnh tranh có thể tăng mạnh do: (1) nhu cầu điện sản xuất và tiêu dùng trong những tháng đầu năm tăng cao (+10,5%), (2) điều kiện thủy văn không còn quá thuận lợi như năm 2017, và (3) sự số mới đây tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn có thể gây ảnh hưởng nguồn cung. Trong nhóm này, PPC là cổ phiếu mà chúng tôi cho rằng NĐT có thể tích lũy để đón đầu mùa công bố KQKD quý 1 và ĐHĐCĐ.
Trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục bằng cách hạ tỷ trọng cổ phiếu vốn hóa lớn, và ưu tiên giữ một tỷ lệ tiền mặt nhất định. Trong dài hạn, chúng tôi vẫn tin tưởng vào triển vọng của thị trường dựa trên những tín hiệu khởi sắc của kinh tế vĩ mô và dòng tiền lớn đang hiện diện.
CTCK BSC: Thị trường có xu hướng tiếp tục tích lũy tại vùng giá hiện tại
VN – index mở cửa khá khả quan, tuy nhiên, lực bán mạnh làm suy giảm đà tăng. Phiên giao dịch chiều chủ yếu đi ngang, chỉ số đóng cửa ở mức 1,199.96 điểm (+0.57%). Cùng với diễn biến tương tự, chỉ số HNX – index đóng cửa với mức tăng 1.26 điểm (+0.92%). Bộ đôi VIC và VRE là điểm sáng ngày, khi VIC tăng 1.1% và VRE đóng cửa ở mức sát trần. Sau vài phiên phân hóa, các cổ phiếu nhóm ngân hàng (LPB, ACB, STB) đã có mức tăng mạnh.
Một số cổ phiếu ngành chứng khoán (MBS, VND) và bất động sản (PDR, NLG, DXG) đều đóng góp tích cực cho chỉ số. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu MSN, DHG, NVL kìm hãm đà tăng của thị trường. Với diễn biến như vậy, thị trường có xu hướng tiếp tục tích lũy tại vùng giá hiện tại, lực lên sẽ yếu dần và các cổ phiếu lớn sẽ thay phiên dẫn dắt thị trường.
CTCK Bản Việt: VNSmallcap vẫn có thể sẽ duy trì đà tăng, bất chấp sự biến động của phần còn lại
Các chỉ số chứng khoán hai sàn cùng tăng điểm trong phiên cuối tuần với KLGD gia tăng tại phần lớn các chỉ số, cho thấy dòng tiền chảy vào thị trường tốt hơn, phần nào do sự sôi động tại các mã đầu cơ. Tuy nhiên, ngoại trừ VNSMallcap thể hiện sự áp đảo của lực cầu với một nến tăng dài, các chỉ số như VN-Index, VN30, HNX-Index hay VNMidcap đều cho thấy sự phản kháng cửa lực bán chốt lời ở vùng giá cao; trong đó, đối với VN-Index và HNX-Index là các ngưỡng kháng cự 1200 điểm và 138 điểm.
Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn Tích cực vẫn duy trì ở tất cả các chỉ số chứng khoán, mặc dù vậy với áp lực cung chốt lời đang tiềm ẩn ở vùng giá cao, sự giằng co sẽ tiếp tục xuất hiện tại VN-Index và VN30 đầu tuần tới cho đến khi VN-Index có thể xác nhận khả năng vượt qua mốc 1200 điểm để tiến lên kháng cự mới tại 1230 điểm. Trong khi chờ đợi, những VNMidcap hay HNX-Index có thể sẽ điều chỉnh giảm để kiểm định các ngưỡng hỗ trợ phía dưới. Tuy nhiên, VNSmallcap vẫn có thể sẽ duy trì đà tăng, bất chấp sự biến động của phần còn lại.
CTCK FPT – FPTS: Xem xét mua thêm nếu hiện tượng "breakout" của VN-Index xảy ra
Quan điểm về tín hiệu dừng giảm và đảo chiều của một số cổ phiếu trụ cột đã được xác nhận trong phiên 6/4. VN-Index tăng điểm, tiến sát mốc 1.200 điểm và mở ra cơ hội của một nhịp tăng mới.
Theo đó, nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang có xu hướng tăng ngắn – trung hạn và có thể xem xét mua thêm nếu hiện tượng "breakout" của VN-Index xảy ra trong phiên giao dịch kế tiếp.
Đối tượng ưu tiên trong giai đoạn này vẫn là các nhóm ngành đang thu hút dòng tiền như: Ngân hàng, bất động sản phức hợp, chứng khoán.