CTCK Rồng Việt: Lực bán lạ trong phiên ATC
Thị trường nhanh chóng lấy lại cân bằng sau phiên sụt giảm hôm thứ Sáu tuần qua. Chỉ số VNIndex tăng mạnh mẽ 17,63 điểm để quay trở lại mức điểm cao nhất từ năm 2007. HNXIndex cũng thăng theo 1,79 điểm để đạt mốc 133,79 điểm. Độ rộng thị trường nhìn chung tích cực.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn dẫn dắt chỉ số. Các cổ phiếu ngân hàng, BVH, VIC, VNM, MSN là đầu tàu và thu hút khá nhiều lượng vốn đổ vào thị trường. Trong nửa đầu phiên sáng, với kịch bản kéo trụ, nhiều nhà đầu tư đã cho rằng phiên hôm nay sẽ là "xanh vỏ, đỏ lòng". Tuy nhiên, kể từ sau 10h30, đà tăng dần lan tỏa sang các cổ phiếu khác. Ngoại trừ nhóm dầu khí chịu thông tin tiêu cực, nổi bật với PVS và PVD giảm sàn thì các nhóm khác hầu hết đều giao dịch khá ổn định.
VNIndex lẽ ra đã có thể đóng cửa ở mức cao nhất trong ngày nhưng lực bán "lạ" xuất hiện vào phiên ATC đã "níu kéo" một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30. Thông thường, hiện tượng này chỉ xuất hiện vào các ngày quỹ ETFs tái cơ cấu danh mục. Thời gian gần đây cũng đã từng diễn ra hiện tượng bán thẳng vào ATC như vậy. Chúng tôi cho rằng đây không phải là lực bán từ ETFs nội, cụ thể là E1VFVN30. Vào thứ Sáu tuần trước, quỹ này bị rút ròng 1,9 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng với giá trị hơn 32 tỷ đồng. Giá trị này là khá nhỏ để có thể tác động mạnh đến các cổ phiếu trong VN30 ngày hôm qua.
Tóm lại, nếu bỏ qua lực bán bất ngờ trong phiên ATC hôm nay thì thị trường đã có sự phục hồi rất tốt trên nền tảng các cổ phiếu vốn hóa lớn. Sẽ có nhiều rung lắc xuất hiện khi chỉ số lại vượt đỉnh nhưng ít ra tâm lý nhà đầu tư đã tự tin hơn rất nhiều khi chỉ số đã lấy lại những gì đã mất trong phiên "flash sale" tuần qua.
CTCK VPBS: Kích thích dòng tiền giải ngân trở lại
Thị trường hồi phục mạnh nhờ nhóm trụ và cổ phiếu ngân hàng. Chúng tôi cho rằng nội tại thị trường hiện tại vẫn khá tích cực nhất là khi có sự trở lại dẫn dắt thị trường của nhóm ngân hàng trong phiên hôm nay. Sự thận trọng chủ yếu đến từ lo ngại các yếu tố bên ngoài và đà tăng mạnh liên tục của nhiều mã trụ cũng như các chỉ số gần đây hơn là rủi ro từ nội tại nền kinh tế hay các yếu tố vĩ mô. Rủi ro đáng ngại có thể kể đến lúc này là yếu tố địa chính trị liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông ảnh hưởng xấu đến các dự án dầu khí và các doanh nghiệp niêm yết nhóm này.
Tuy vậy, chúng tôi cho rằng, diễn biến điều chỉnh giảm ở nhóm dẫn dắt và mặt bằng cổ phiếu trong suốt nhiều tuần qua sẽ sớm kích thích dòng tiền giải ngân trở lại nhờ mức định giá trở nên hấp dẫn hơn nhất là khi các thông tin ban đầu về KQKD quý 1/2018 dần hé mở. Theo đó, thời điểm hiện tại có thể xem là cơ hội cơ cấu danh mục, thiết lập các trạng thái trung dài hạn cho năm 2018 này.
Chiến lược giao dịch: Thận trọng quan sát thị trường thế giới và giữ danh mục ở mức cân bằng với ưu tiên cho việc cơ cấu danh mục và thiết lập các trạng thái trung dài hạn hơn là lướt sóng ngắn hạn
Nhà đầu tư ở thị trường phái sinh có thể xem xét theo đuổi chiến lược trading trong biên độ 1.120 – 1.140 điểm đối với các giao dịch ngắn hạn trong khi ưu tiên lệnh Long cho khả năng bứt phá khỏi vùng 1.160 ở chỉ số cơ sở.
CTCK Sài Gòn Hà Nội – SHS: VN-Index có thể tiếp tục đi ngang và giằng co
Phiên hồi phục mang tính kỹ thuật đã giúp lấp hoàn toàn khoảng trống giá xuống (gap down) trong hai phiên cuối tuần trước trong khoảng 1.157-1.169 điểm.
Với việc đà tăng vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng kéo trụ và áp lực bán tăng mạnh trong phiên ATC thì chúng tôi vẫn chưa đánh giá cao khả năng vượt ngưỡng 1.180 điểm một cách bền vững của thị trường.
Theo đó, trong phiên giao dịch 27/3, VN-Index có thể tiếp tục đi ngang và giằng co trong biên độ 1.150-1.180 điểm cho đến khi đạt đủ sự đồng thuận để bứt phá khỏi vùng này.
Nhà đầu tư ngắn hạn nếu có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục thì có thể tận dụng đà hồi phục của thị trường để bán ra nhằm đưa tỷ trọng về mức cân bằng.
Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy thêm những cổ phiếu có triển vọng tích cực trong năm 2018.
CTCK BSC: Áp lực bán mạnh gia tăng vùng đỉnh
Sự hồi phục của các cổ phiếu trụ cột giúp cho thị trường lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch hôm qua. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VJC, MSN đồng loạt tăng mạnh đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Các cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán cũng hồi phục hỗ trợ đà tăng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Thép chịu áp lực bán mạnh từ khối ngoại. Nhóm cổ phiếu Dầu khí giảm đồng loạt từ thông tin dự án "Cá Rồng Đỏ".
BSC nhận định, tâm lý thận trọng vẫn tồn tại khi giao dịch tập trung vào các cổ phiếu trụ cột với thanh khoản chưa cải thiện. Bên cạnh đó, áp lực bán mạnh gia tăng vùng đỉnh luôn tạo áp lực cho chỉ số khiến các nhịp rung lắc tiếp tục diễn ra.