KPF đặt mục tiêu doanh thu gấp gần 4 lần so với năm 2021
Các nội dung thảo luận tại Đại hội bao gồm: Báo cáo tài chính năm 2021 đã được kiểm toán; Phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ; Chủ trương phát hành Trái phiếu riêng lẻ; Thay đổi ngành nghề kinh doanh của Công ty; Kế hoạch thoái vốn tại Công ty con; Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý Công ty, miễn nhiệm Thành viên Ban kiểm soát; Thay đổi số lượng thành viên HĐQT tại Điều Lệ công ty; Miễn nhiệm thành viên HĐQT và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2024; Ủy quyền cho HĐQT quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông; Phương án thay đổi tên công ty.
Năm 2021, KPF đã cố gắng duy trì hoạt động tài chính, tiếp tục quản trị đầu tư vào các công ty con. Mặc dù chưa triển khai được việc bán sản phẩm căn hộ du lịch nên chưa ghi nhận doanh thu bán hàng như kế hoạch, tuy nhiên ngoài doanh thu từ cổ tức các công ty con (22,3 tỷ đồng), KPF còn ghi nhận khoản 25 tỷ đồng doanh thu từ việc chuyển nhượng dự án Phước Lợi và hơn 18,3 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 49% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm. Kết quả doanh thu năm 2021 của KPF đạt gần 115,6 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 88 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 76 tỷ đồng, vượt 55% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Năm 2022 KPF đặt kế hoạch tăng trưởng với doanh thu tăng gần gấp 4 lần so với năm 2021, tương đương mức 450 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 250 tỷ đồng, tăng 185% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế tăng 170% lên mức 205 tỷ đồng. Các chỉ số này được dựa trên quyết định gia tăng hoạt động phân tích đầu tư, hợp tác kinh doanh, và khoản thu bán hàng từ quý 3 của dự án đầu tư vào 199 căn hộ du lịch biển tại Đà Nẵng. Kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu để tiếp tục huy động vốn đầu tư vào các dự án bất động sản cũng được ban lãnh đạo KPF tính đến.
Tăng tốc đầu tư vào bất động sản du lịch biển là một trong những hoạt động trọng tâm của KPF năm 2022.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ là bàn đạp giúp doanh nghiệp tăng tốc
Trả lời câu hỏi về kế hoạch tăng vốn điều lệ cho cổ đông lên gấp đôi và phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp giá trị 1.000 tỷ, bà Bà Đinh Kim Nhung - Tổng Giám đốc KPF cho biết: "Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ được HĐQT triển khai khi đủ điều kiện cần thiết bao gồm các thủ tục pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án và tính khả thi, hiệu quả mang lại từ nguồn vốn nên công ty sẽ cân nhắc việc huy động vốn bằng Trái phiếu trong trường hợp các điều kiện hội tụ đủ và thuận lợi. Vậy nên, HĐQT kính trình ĐHĐCĐ thông qua chủ trương phát hành Trái phiếu là điều kiện cần để Công ty chủ động thực hiện các thủ tục ngay khi có cơ hội nếu việc đầu tư thực sự mang lại hiệu quả và lợi ích chung".
Theo đó, KPF đã được Đại hội thông qua kế hoạch dự kiến phát hành hơn 133,7 triệu cổ phiếu, trong đó 6,36 triệu cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 5%) và chào bán 127,36 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 1:1), giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Sau phát hành công ty sẽ tăng vốn điều lệ lên 2.611 tỷ đồng. Từ số tiền thu về hơn 1.273 tỷ đồng, KPF dự kiến sẽ dùng 1.000 tỷ đồng đầu tư, góp vốn, mua cổ phần tại các công ty, dự án; số còn lại hơn để đầu tư kinh doanh bất động sản bằng cách tài trợ một phần vốn triển khai, hợp tác dự án.
Chủ trương phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng được KPF triển khai trong thời gian tới. Theo đó KPF sẽ phát hành tối đa 1.000 trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị phát hành 1.000 tỷ đồng nhằm bổ sung nguồn vốn hoạt động để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Được biết trái phiếu sẽ có kỳ hạn tối đa 3 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm nay.
Sau khi tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông 2022, doanh nghiệp này sẽ chính thức đổi tên thành CTCP Đầu tư tài sản Koji (viết tắt là Koji Asset Invest.,JSC).