Anh Thái Trí Hùng, Phó Tổng Giám Đốc - CTO MoMo đã có cuộc trao đổi với Trí thức trẻ về chiến lược AI First, sau khi đã triển khai Data First.
Hiện nay, MoMo dành khoảng 20% tổng số 600 kỹ sư công nghệ thông tin cho nhân sự về AI. Vậy tại sao MoMo lại cần nhiều nhân sự cho AI đến vậy và MoMo thu hút nhân tài cho AI từ đâu?
Hiện nay, MoMo dành khoảng 20% tổng số 600 kỹ sư công nghệ thông tin cho nhân sự về AI. Vậy tại sao MoMo lại cần nhiều nhân sự cho AI đến vậy và MoMo thu hút nhân tài cho AI từ đâu?
Đối với MoMo, AI là một công nghệ lõi và chúng tôi mong muốn đưa AI đi sâu vào tất cả các sản phẩm dịch vụ. Do đó, nhu cầu về nhân sự cho AI của MoMo rất lớn.
MoMo cũng đang tiếp cận nguồn nhân lực giống như các công ty khác trên thị trường thôi. Nhưng đặc thù của nhân sự AI hay dân công nghệ nói chung thường thích hội tụ vào những nơi có nhiều người tài như cách mọi người thường nói là "Talent got talent". Tôi nghĩ là chúng tôi may mắn có trong đội ngũ của mình nhiều talent như vậy, và chính các anh chị ấy đang giúp thu hút thêm nhiều talent khác tham gia cùng chúng tôi.
Mỗi khi có dịp đi công tác ở nước ngoài, chúng tôi thường thu xếp tổ chức các buổi gặp gỡ thân mật với các bạn kỹ sư đang làm việc tại đó. Thông qua các buổi gặp gỡ này chúng tôi có cơ hội giới thiệu các "bài toán" lớn và khó, thú vị và tiên phong, mang lại giá trị cho cộng đồng mà MoMo đang mong muốn giải quyết. Chúng tôi hy vọng đã tạo được ấn tượng về một điểm đến tiềm năng cho các bạn có mong muốn quay về Việt Nam. Hai năm gần đây, chúng tôi ghi nhận số lượng ứng viên thuộc nhóm này chủ động tiếp cận chúng tôi ngày càng tăng lên.
Trên thực tế, chi phí dành cho AI khá tốn kém, vậy làm thế nào để khoản đầu tư đắt đỏ này mang lợi nhuận thực sự cho MoMo?
Hiện nay, chi phí dành cho AI của MoMo chiếm khoảng 6-7% tổng chi phí vận hành. Nói chung chi phí đầu tư vào AI rất lớn nhưng để có kết quả thường không nhanh và khó định lượng. Khi đã làm, MoMo xác định sẽ đầu tư dài hạn và gắn hiệu quả của việc áp dụng AI vào các chỉ số kinh doanh cụ thể bên cạnh các chỉ số công nghệ. Ví dụ, ngoài việc quan tâm đến mức độ chính xác của mô hình chúng tôi quan tâm đến tỷ trọng đóng góp của mô hình này vào kết quả tăng trưởng dịch vụ.
Với cách này, MoMo có tạo ra áp lực cho đội ngũ AI không?
Tôi không nghĩ như vậy, chúng tôi rất may mắn khi có được nhiều thành viên AI nhiệt huyết và mong muốn giải quyết các bài toán thực tế thay vì chỉ dừng ở các kết quả nghiên cứu "kinh viện". Theo quan sát của tôi, cách đặt mục tiêu từ đầu đến cuối (end-to-end) giúp cho mọi người hiểu rõ hơn về kỳ vọng, sáng tạo hơn về giải pháp, cũng như phối hợp cùng các bộ phận khác nhịp nhàng hơn vì một mục tiêu chung.
Còn lợi nhuận thì sao?
Các sản phẩm của MoMo làm ra đều hướng đến một giá trị cụ thể, giải quyết các bài toán thực tiễn. "Giá trị" ở đây có thể là lợi nhuận, số lượng khách hàng, mức độ hoàn thiện của hệ sinh thái. Chúng tôi đo đếm lợi nhuận mà AI mang lại dựa trên sự tăng trưởng của các giá trị này.
Vì sao MoMo lại thay đổi chiến lược từ Data First sang AI First?
Vì sao MoMo lại thay đổi chiến lược từ Data First sang AI First?
Khởi nguồn MoMo xác định mình là công ty Mobile First. Sau khoảng 1-2 năm, MoMo bắt đầu có nhiều khách hàng, càng ngày càng nhiều hơn. Chính tại thời điểm này, MoMo nhận thấy cần có cách tiếp cận mới trong vận hành và phát triển sản phẩm. Vì thế chúng tôi bắt đầu áp dụng chiến lược Data First. Data First giúp đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu. Từ đó, nhà điều hành kết nối thông tin và đưa ra các quyết định chính xác hơn. Data First giúp MoMo phân tích được hành vi người dùng, tiếp cận được đúng nhóm đối tượng, từ đó hỗ trợ ra quyết định kịp thời dựa trên số liệu cụ thể.
Cùng với tốc độ tăng trưởng người dùng, khối lượng dữ liệu (data) cần xử lý cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Để xử lý được khối lượng dữ liệu khổng lồ này và đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dùng, việc sử dụng AI là một lựa chọn tất yếu!
AI Committee của MoMo chính thức được thành lập với kỳ vọng sẽ giúp công ty thực thi chiến lược AI-First với tôn chỉ chung là "bình dân hóa AI". Vậy "bình dân hóa AI" ở đây được hiểu đơn giản như thế nào?
Cách MoMo đang nghĩ về công nghệ đó là người dùng sẽ không phải thay đổi để sử dụng MoMo, mà ngược lại MoMo sẽ phải đầu tư vào công nghệ, sản phẩm để tiếp cận được với người dùng.
"Bình dân hóa AI" của MoMo là mong muốn mọi thành viên của MoMo đều biết về AI, có mong muốn áp dụng AI vào sản phẩm mà mình đang xây dựng, hiểu rõ điểm mạnh và hạn chế của công nghệ này.
Đối với người dùng cuối, chúng tôi mong muốn người dùng của mình cảm nhận rằng Ví MoMo thấu hiểu nhu cầu của họ, phù hợp với thói quen và sở thích cá nhân của họ… mà không cần biết đến hay phải quan tâm có sự hiện diện của công nghệ phía sau.
Trên thực tế, AI cũng có những điểm mạnh và hạn chế riêng, MoMo đã phát huy điểm mạnh và cải thiện hạn chế như thế nào?
Công nghệ nào cũng có hạn chế của nó, chúng tôi không kỳ vọng AI là lời giải cho mọi vấn đề của mình. Trong từng giải pháp, AI có thể chỉ tham gia vào những phần (nhỏ) mà ở đó hiệu quả mang lại cao hơn những cách làm khác. "Giải pháp" được nhìn rộng hơn là 1 hệ thống công nghệ mà là một chuỗi các công việc nối tiếp nhau, là sự kết hợp linh hoạt giữa nhiều công nghệ khác nhau, và giữa con người và hệ thống. Với cách làm này, chúng tôi hy vọng sẽ phát huy tối đa sức mạnh của các công nghệ mình đang áp dụng.
MoMo đầu tư cho công nghệ AI nhiều đến như vậy thì kỳ vọng lớn trong tương lai là gì?
Đối với MoMo, AI là một trong nhiều công nghệ đang được đầu tư triển khai Mục tiêu của chúng tôi là đẩy "hàm lượng" công nghệ trong các sản phẩm của mình càng nhiều càng tốt, càng sâu càng tốt và phải mang lại được nhiều giá trị nhất. Giá trị ở đây điển hình như đối với người dùng cuối thì AI cố gắng có thể hiểu được người dùng của mình nhất, đưa ra các đề xuất hỗ trợ người dùng đúng lúc nhất.
Hy vọng xa hơn nữa MoMo có thể đưa các sản phẩm, dịch vụ của mình tiếp cận đến nhiều nhóm người dùng hơn, người dùng có thể dùng được các sản phẩm dễ dàng, thân thiện đến mức họ không biết rằng đằng sau là công nghệ AI. Mỗi thị trường, đều có những đặc thù rất riêng, chúng tôi mong muốn sử dụng AI để tạo ra những sản phẩm phù hợp nhất với đặc thù của thị trường Việt Nam, thậm chí đến từng khách hàng cụ thể, điều mà các sản phẩm ngoài nước chưa thực sự quan tâm.
MoMo đang phát triển tính năng mới nào có ứng dụng AI, tạo ra khác biệt thực sự?
Chúng tôi đang theo đuổi những dự án sử dụng AI để mang đến cho người dùng của mình trải nghiệm một chạm (one touch) theo đúng nghĩa đen của từ này. Trên thực tế, một số hướng đi đã có kết quả đáng khích lệ ban đầu và không quá xa thì tính năng này sẽ được hiện thực hóa. Đây chỉ là một ví dụ trong việc ứng dụng công nghệ để tạo ra sự khác biệt.
Với chúng tôi, sự khác biệt có thể không nằm ở mức tính năng, mà nằm trong từng điểm chạm, sự tinh tế mà tính năng đó đang cung cấp cho người dùng của mình. AI hiện đang được kỳ vọng giúp chúng tôi đẩy nhanh quá trình tạo ra các tính năng "khác biệt" như vậy.
Kể từ khi phát triển AI cho đến bây giờ, thành tựu đáng ghi nhận nhất mà AI đem lại là gì?
Nhiều lắm, như đã nói, với chúng tôi, AI là một công nghệ quan trọng như các công nghệ khác, thành tựu mà AI đem lại sẽ được nhìn nhận chung trong các thành tựu của công nghệ. Đặc biệt, một khi MoMo nhúng AI vào sản phẩm nào thì sẽ nhúng rất sâu và tối đa hóa tính tương thích với các quy trình.
Nổi bật nhất có thể nói đến là Nền tảng dữ liệu lớn (Data Platform) do đội ngũ BigData/AI của chúng tôi tự xây dựng. Nền tảng này đã đáp ứng được các yêu cầu đặc thù của chúng tôi về dung lượng, độ phức tạp, tính mở, và rất nhiều yêu cầu khắt khe khác. Ngay từ những cột mốc (mile-stone) đầu tiên, hiệu quả của dự án này đã được chứng minh và nhìn thấy trong quá trình phát triển/vận hành của MoMo.
Thành tựu tiếp theo mà chúng tôi tự hào là đã đưa AI vào rất nhiều tính năng của mình, từ việc đề xuất/khuyến nghị dịch vụ phù hợp, xây dựng các mô hình chấm điểm, phòng chống gian lận hay tối ưu các quy trình xử lý đang tốn nhiều nhân lực của chúng tôi.
Thời gian vừa qua, ví điện tử bùng nổ mạnh mẽ nhờ dịch Covid-19. MoMo đã tận dụng cơ hội này như thế nào, công nghệ nói chung và AI nói riêng có tạo ra giá trị gì nổi bật không?
Đồng ý là có cơ hội nhưng cũng rất thách thức. Như mọi công ty khác, MoMo cũng chịu nhiều ảnh hưởng trong dịch Covid-19, nhiều dịch vụ cũng phải tạm dừng do đối tác bị ảnh hưởng như bán vé máy bay, vé xem phim, thanh toán offline,.... Đó cũng là thời điểm chúng tôi chủ động nhìn nhận và có những thay đổi chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới tiếp theo..
Đầu tiên, chúng tôi điều chỉnh kế hoạch hành động để thích ứng với tình hình thực tế. Tập trung hoàn thiện các tính năng phù hợp nhu cầu người dùng trong mùa dịch như dịch vụ chuyển tiền, mua sắm online, nhu cầu giải trí tại nhà,.... Thực tế, chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong các mảng dịch vụ này.
Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các tổ chức chính quyền để tạo ra thêm các tính năng hỗ trợ cho người dùng trong giai đoạn dịch bệnh. Một trong những dịch vụ mà MoMo rất tự hào là Đi chợ hộ. Mặc dù vòng đời sản phẩm không dài (chủ yếu trong giai đoạn cao điểm phong tỏa), thời gian phát triển gấp rút, đội ngũ MoMo vẫn nỗ lực triển khai tính năng này với mong muốn có thể giúp cho người dùng phần nào giảm bớt khó khăn do dịch bệnh.
Với đội ngũ công nghệ nói riêng, nhận thấy đây là thời điểm vàng cho các thay đổi mang tính nền tảng, chúng tôi đã dồn lực phát triển/nâng cấp các hệ thống lõi của mình, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo. Tôi rất tự hào về một loạt các hệ thống công nghệ quan trọng của chúng tôi (từ app, back-end, core, các nền tảng AI…) đã được nâng cấp thành công trong giai đoạn này
Trước đây, MoMo đã thực hiện một vụ thương vụ mua lại một startup về AI, thương vụ này đã giúp gì cho tham vọng của MoMo với AI?
Tháng 6/2021, MoMo hoàn tất việc mua lại toàn bộ công nghệ lõi của Pique, khi đó Pique là công ty có thế mạnh về cung cấp giải pháp cho bài toán khuyến nghị (Recommendation). Pique đã có khá nhiều khách hàng lớn và được đánh giá cao, nhưng với cách triển khai kiểu "đo ni đóng giày", theo chiến lược tiếp cận từng doanh nghiệp để giải quyết từng nhu cầu một, Pique chỉ có thể phục vụ được tối đa không quá 10 khách hàng mỗi năm. Cả hai bên kỳ vọng có thể giúp công nghệ của Pique tăng trưởng nhanh hơn và được áp dụng rộng rãi hơn ở quy mô hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu khách hàng.
Sau gần một năm về chung nhà, nền tảng khuyến nghị mà đội ngũ chúng tôi xây dựng đã bắt đầu có những ứng dụng đầu tiên. Hy vọng rằng trong năm tiếp theo, nền tảng này sẽ được mở rộng cho cả các đối tác ngoài MoMo sử dụng, mà không đòi hỏi họ phải đầu tư hay am hiểu công nghệ như chúng tôi. Như vậy, tôn chỉ "bình dân hoá" của chúng tôi đã bắt đầu mang lại giá trị cho tất cả các các bên đang tham gia vào hệ sinh thái MoMo.