Sáng nay 5/3, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với 86 bị cáo. Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị truy tố 3 tội danh: "Đưa hối lộ", "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản".
Ngồi lặng lẽ trên ghế đá ở công viên nhỏ đối diện TAND TP.HCM, cụ bà Lệ Hằng (83 tuổi, ngụ TP.HCM) ngấn lệ. Cụ liên tục thở dài khi nghe những câu chuyện của những người cùng chung cảnh ngộ xung quanh.
Trao đổi với Dân Việt, cụ Lệ Hằng cho biết, sau khi bán nhà riêng ở quận Tân Phú và nhà của con trai ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), cụ đã mang hơn 14 tỷ đồng vào SCB gửi tiết kiệm. Lúc này, phía nhân viên ngân hàng tư vấn cho cụ mua trái phiếu của SCB.
Cụ kể, nhân viên tư vấn rằng mua trái phiếu có tài sản đảm bảo, cụ lại có thể rút lại bất cứ khi nào mong muốn. Tuổi cao, mắt yếu, lại nghe những lời hứa hẹn đường mật của nhân viên SCB, cụ đồng ý ký tên mua trái phiếu.
Sau đó vài tháng, cụ nghe nhiều thông tin liên quan đến SCB và tập đoàn Vạn Thịnh Phát nên lên ngân hàng để xin rút tiền. Lúc này, phía SCB cho biết, ngân hàng đã chịu sự quản lý của nhà nước, không thể giải quyết việc yêu cầu rút tiền của cụ.
Suốt từ đó đến nay, cuộc sống gia đình cụ Hằng đảo lộn. Người chồng gần 90 tuổi bức xúc, u uất đến mức điên loạn. Con trai của cụ cũng bất mãn, thậm chí có hành vi sai trái với cụ.
"Nếu không có những người thân xung quanh động viên, đỡ đần, có lẽ tôi đã chết. Hơn 14 tỷ là số tiền tích cóp cả cuộc đời của gia đình tôi, giờ không biết đi đâu về đâu, làm sao để đòi lại! Chúng tôi rất khổ sở, sống lay lắt, vật vờ, gia đình thì xào xáo. Tôi mong nhà nước sẽ tích cực trong vụ án này, có phương án đòi lại tiền cho người dân chúng tôi", cụ Hằng nói.
Cũng là nạn nhân trong việc mua trái phiếu, bà Hạnh (62 tuổi) cho biết, cả cuộc đời bà làm lụng vất vả, đổ mồ hôi, máu và nước mắt mới có được hơn 600 triệu đồng. Số tiền này bà gửi tiết kiệm tại SCB.
Trong năm 2020, khi sổ tiết kiệm tới ngày đáo hạn, bà được nhân viên ngân hàng SCB tư vấn chuyển qua mua trái phiếu với nhiều gói để lựa chọn. Bà cũng không nhớ rõ nhân viên ngân hàng đã tư vấn thế nào, nhưng bà tưởng rằng trái phiếu cũng là một loại sổ tiết kiệm, có thể linh hoạt nộp vào, rút ra. Do đó, bà đồng ý mua trái phiếu.
Đáng nói, lúc ký giấy tờ mua trái phiếu, bà Hạnh cho biết, nhân viên chỉ đưa cho bà ký tên chứ không cho đọc nội dung. Hợp đồng mua trái phiếu cũng không được ký thời điểm đó, mà phải sau khoảng 1 tuần (khi đã hết thời gian thay đổi việc mua trái phiếu). Từ đó tới nay, bà Hạnh chưa nhận được bất cứ đồng tiền lãi nào; khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, số tiền hơn 600 triệu đồng của bà cũng không biết làm thế nào để lấy lại.
Tưởng chừng có số tiền lận lưng, lo toan khi về già, thế nhưng, bà Hạnh lại trắng tay trong nháy mắt. Bà đã gõ cửa hết các cơ quan liên quan để mong lấy được lại số tiền gốc của mình nhưng tất cả đều vô vọng.
"Tôi khổ lắm, không còn một đồng xu cắc bạc nào trong người. Hiện giờ tôi đang ở trọ, không chồng con, không việc làm. Tuổi cao, sức khỏe yếu, tôi xin việc làm rất khó, chỉ có thể xin làm được công việc tạm bợ. Để sống sót qua ngày tôi, tôi thường phải đi "ăn chực" tại nhà bạn bè, người quen. Việc nhịn đói, không có gì ăn là thường xuyên diễn ra...", bà Hạnh rưng rưng nước mắt.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm liên quan tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông và một số công ty, tổ chức đã có hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật để tạo lập 25 gói trái phiếu.
Mã trái phiếu bao gồm ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20. Các lô trái phiếu này có tổng giá trị hơn 30.000 tỷ đồng đã bán cho người mua (trái chủ) nhằm mục đích huy động tiền rồi chiếm đoạt.