Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ sinh năm 1914 tại Hà Nội. Năm 18 tuổi, bà kết hôn với ông Trịnh Văn Bô và kế thừa hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi. Ông Trịnh Văn Bô sinh năm 1914, là con út trong gia đình cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam đầu thế kỷ 20.
Đầu năm 1945, ông Trịnh Văn Bô quyết định ủng hộ 10.000 đồng Đông Dương, tương đương 25 cây vàng, cho Mặt trận Việt Minh, khởi đầu sự nghiệp đóng góp tài chính của gia đình.
Hai cụ còn ủng hộ tài chính rất nhiều lần cho cách mạng. Tính đến trước Cách mạng tháng 8, gia đình cụ đã ủng hộ 8.500 đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng theo thời giá bấy giờ.
Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, qua sự giới thiệu của ông Vũ Đình Huỳnh, ông Trịnh Văn Bô – bà Hoàng Thị Minh Hồ đã dành ngôi nhà 48 Hàng Ngang để cán bộ cách mạng làm việc. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Gia đình ông Trịnh Văn Bô – bà Hoàng Thị Minh Hồ đã được tiến cử vào Ban vận động Quỹ Độc lập và tiếp tục ủng hộ Quỹ này 20.000 đồng, tương đương 500 cây vàng. Ngoài ra, cụ còn vận động thêm được hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho Quỹ. Trong Tuần lễ Vàng, gia đình cụ đóng góp thêm 117 cây vàng và vận động ủng hộ thêm trên 1.000 cây vàng nữa...
Theo gia đình và các tài liệu ghi lại, số vàng đã ủng hộ cho Chính phủ lên tới 5.147 lượng, tương đương 2.000.000 đồng Đông Dương (lúc bấy giờ).
Khi thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, bà Hoàng Thị Minh Hồ đã dẫn hơn chục hành viên trong gia đình tản cư ở Cao Bằng. Ông Trịnh Văn Bô công tác trong chính phủ kháng chiến tại Việt Bắc.
Đến năm 1955, gia đình đoàn tụ tại Hà Nội. Ông Trịnh Văn Bô được giao giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội cho đến ngày nghỉ hưu.
Năm 2014, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ 100 tuổi của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính đã xuất bản cuốn sách “Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam” nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình với Đảng, Chính phủ và ngành Tài chính.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất UBND thành phố Hà Nội lấy tên cụ Trịnh Văn Bô đặt cho một con đường tại thủ đô để nhiều thế hệ sau vẫn còn nhớ tới nhà tư sản yêu nước.