Nửa đầu tháng 6 nhiều biến động của thị trường tiền tệ thế giới
Thống kê của Central Bank News cho biết đã có hơn 20 cuộc họp của các ngân hàng trung ương (NHTW) các nước những ngày tháng 6 vừa qua. 10 trong số này quyết định tăng lãi suất, trong đó quan trọng nhất đến từ quyết định của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dù nâng lãi suất 0,25% là điều được thị trường dự đoán nhưng việc chắc chắn hơn về số lần tăng lãi suất trong năm 2018 là 4 lần thay vì 3 lại khá bất ngờ với giới đầu tư.
NHTW Hồng Kông, Macau và 4 quốc gia trung đông Arab Saudi, UAE, Bahrain và Jordan ngay sau động thái của Mỹ cũng đồng loạt tăng 25 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành.
Trước khi Fed tăng lãi suất, Thổ Nhĩ Kỳ vừa tăng thêm 1,25%, khiến lãi suất quốc gia này tăng thêm 9,75% chỉ trong vòng 2 tuần. Động thái trên giúp tạm thời ghìm cương đà mất giá của đồng Lira nhưng đến nay đồng tiền này vẫn giảm 25,5% so với đầu năm. Một loạt nước cũng đã tăng lãi suất như Ấn độ, Indonesia. Đồng Rupiah của Indonesia cũng đã mất giá đáng kể (hơn 5,6%) và chỉ hồi phục từ trung tuần tháng 5 sau 2 quyết định tăng lãi suất của NHTW nước này.
Một số quốc gia lại lựa chọn giữ nguyên lãi suất như NHTW châu Âu (ECB), Nhật Bản nhưng ngay sau quyết định trì hoãn kế hoạch nới lỏng định lượng sang cuối năm đồng EUR của khu vực này đã nhanh chóng mất giá so với đồng USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng EUR đã mất giá 3,58%, nhưng chỉ chưa đầy 3 ngày giao dịch đồng tiền này đã giảm giá 1,8%.
Cần nhiều đồng nội tệ hơn để đổi lấy USD
Cú bật của USD tự do và dấu hỏi tương lai tỷ giá
Ghi nhận trong ngày giao dịch đầu tiên sau hai tuần biến động của thị trường tiền tệ quốc tế, tỷ giá điều hành của NHNN ngày 18/6 chỉ tăng thêm 7 đồng/USD. Vietcombank giữ mức 22.785 - 22.855 đồng cho mỗi USD chiều mua -bán gần hết ngày và chỉ tăng thêm 10 đồng/USD vào chiều tối. Một số ngân hàng cổ phần tăng thêm 20 đồng/USD. Trái lại, giá bán USD ngoài thị trường tự do tăng khá mạnh ngay đầu giờ sáng, vượt trên 23.000 đồng.
Ảnh: Thanh niên
So với tỷ giá bán yết tại Vietcombank hồi đầu năm (22.735 đồng/USD), tỷ giá tại ngân hàng hiện tăng 0,57%, USD tự do đã cao hơn 1,25%. Xu hướng của thị trường tiền tệ toàn cầu cùng cú hích USD tự do đặt ra câu hỏi về tương lai của đồng VND.
Tỷ giá VND so với USD (đường đen) khá ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực như Thái, Myanmar, Philippines, Indonesia hay Singapore
Ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc phân tích CTCK KB Việt Nam cho rằng việc mất giá đồng nội tệ tương tự một số quốc giá sẽ khó xảy ra ở Việt Nam hoặc chỉ ở mức độ nhẹ, chưa đáng lo ngại.
"Yếu tố khác biệt lớn nhất là việc chu kỳ kinh tế của Việt Nam đang ở giai đoạn sớm của một chu kỳ hồi phục với lạm phát thấp, tỷ giá bình ổn dòng vốn đầu tư nước ngoài được duy trì ổn định mà không bị rút ra quá nhiều", vị chuyên gia phân tích của KB nhận định.
Các nước khác đã trải qua chu kỳ hồi phục tương đối dài và đang bộc lộ bất ổn chính sách, vĩ mô. Thái Lan, Indonesia đang bị rút vốn khá nhiều, gây áp lực đến vấn đề tỷ giá. Chu kỳ của Việt Nam trễ hơn và vẫn có tính hấp dẫn tương đối thu hút dòng vốn ngoại. Việc rút ra của dòng vốn mang tính nhất thời và ngắn hạn. Nhìn vào bối cảnh và chu kỳ của nền kinh tế, ông Bình cho rằng Việt Nam vẫn đang có sức hấp dẫn và dòng vốn tiếp tục ở lại ít nhất 2-3 năm tới.
Hai yếu tố khiến tỷ giá USD trong nước, đặc biệt trên thị trường tự do tăng mạnh thời gian theo ông Bình gồm cả yếu tố khách quan đồng USD thế giới lẫn yếu tố cung cầu ngoại tệ trong nước.
Quyết định chắc chắn hơn với kế hoạch nâng lãi suất thêm 2 lần của Fed khiến giới đầu tư khá bất ngờ và đẩy USD tăng giá đáng kể so với hầu hết các đồng tiền. Cung cầu ngoại tệ trong nước dù không đáng lo về cầu đầu cơ nhờ chính sách ổn định tỷ giá của NHNN 2 năm qua nhưng theo ông Bình nguồn cung USD đã không còn mạnh như những tháng đầu năm. Thặng dư xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài cùng dòng tiền đầu tư của NĐTNN trên thị trường chứng khoán đã chậm lại gần đây.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định trạng thái xuất siêu, FDI và FII cùng nguồn kiều hối từ đầu năm là các yếu tố giúp Việt Nam có dư địa để ổn định tỷ giá thời gian qua.
Nguồn cung USD đang được đánh giá khá tốt với dự trữ ngoại hối liên tục được tích lũy và ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,6 tháng nhập khẩu.
Gần đây, World Bank nhận định tỷ giá của Việt Nam được duy trì tương đối ổn định. Điều này đúng hơn trong bối cảnh hiện hay. USD tăng giá đã khiến nhiều đồng tiền quốc gia khác mất giá. Theo quan điểm của ông Khoa, VND dù có nhiều công cụ hơn để ổn định cũng sẽ không nằm ngoài. "Nhưng áp lực với tỷ giá không thực sự lớn", ông Khoa cho hay.
Nói về lý do khiến tỷ giá tăng mạnh hôm nay, theo ông, yếu tố tâm lý cũng có tác động nhất định lên tỷ giá trong ngắn hạn cùng với xu hướng chung của toàn cầu. Cung cầu bất thường tại một thời điểm từ một hợp đồng vài trăm triệu USD mua nhất thời cũng có thể ảnh hưởng thị trường.
Nhắc lại về lần đợt tăng tỷ giá vài tháng trước, ông Khoa nhấn mạnh tỷ giá cũng đã nhanh chóng quay lại bình thường sau đó. Việc điều hành tỷ giá sẽ phụ thuộc vào việc giữ trạng thái cũng như khả năng có nguồn ngoại tệ cung ra kịp thời.
Liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán, xu hướng bán ròng khỏi thị trường đang phát triển, thị trường biên được vị chuyên gia phân tích từ BSC xác nhận. Nhưng theo ông Khoa đây chưa hẳn là rút khỏi hoàn toàn. Khối ngoại có thể nhằm cơ cấu lại danh mục, chờ cơ hội tốt để quay lại nhằm chủ động với biến động thị trường nhưng việc rút vốn có thể xảy ra nếu biến động vĩ mô phức tạp hơn ở các chỉ tiêu về lạm phát, tỷ giá.