Hợp đồng một đằng, thu một nẻo
Hơn 2 tháng nay, cuộc sống của gia đình chị L.T.H (tòa CT2) liên tục bị đảo lộn vì không có nước sinh hoạt. Chị H cho biết, cứ vào ngày rằm, hay ngày cuối tuần, cư dân tại Dự án nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ – Bộ công an luôn phải thấp thỏm, lo sợ vì bị chủ đầu tư cắt nước.
Theo các cư dân ở đây, trong hợp đồng mua bán nhà, phía chủ đầu tư cam kết thu phí dịch vụ là 6.000 đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi dọn về ở khoảng 10 tháng, chủ đầu tư lại thông báo mức phí là 6.600 đồng/m2. Điều đáng nói, sự điều chỉnh này không được phía chủ đầu tư thương lượng và thông báo với cư dân, chỉ đến khi bị cắt nước, cư dân mới nhận tá hỏa nhận thông báo nguyên nhân do chưa đóng tiền VAT.
“Họ không nói gì về việc điều chỉnh này mà ngang nhiên cắt nước bất ngờ. Gia đình tôi gồm 5 người, có con nhỏ 15 tháng. Hôm cháu bị sốt, cả nhà phải chạy đi khắp nơi để xin nước sinh hoạt”, chị H bức xúc nói.
Oái oăm hơn là tình cảnh gia đình của anh Đ.V.N (tòa CT3). Trong lúc vợ anh vừa sinh con từ bệnh viện trở về, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cao nhưng gia đình anh vẫn bị cắt nước. Mặc dù mới nộp xong tiền phí dịch vụ, anh N phải chạy khắp đêm liên hệ từ BQL đến chủ đầu tư nhưng không ai xử lý. Chỉ đến khi, đại diện BQL yêu cầu anh ký vào cam kết chấp nhận mức phí mới mà chủ đầu tư đưa ra, thì mới đồng ý cấp lại.
“Họ ép tôi ký vào cam kết chấp nhận mức phí dịch vụ 6600 đồng/m2 rồi mới chịu mở nước. Số tiền tăng thêm không phải là vấn đề lớn nhưng cách hành xử của họ như vậy là trịch thượng, thiếu tôn trọng cư dân, nhất là cư dân toàn cán bộ, chiến sỹ công an”, anh N nói.
Chưa thông báo, đối thoại với cư dân
Theo các cư dân ở đây, từ cuối tháng 9 đến nay, chủ đầu tư là liên danh Constrexim 1 – Thái Hà đã yêu cầu BQL Dự án nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ – Bộ công an là Cty Savills Việt Nam cắt nước sinh hoạt 3 lần. Đợt 1 vào ngày 29/8, BQL cắt nước 200 hộ, đợt 2 vào ngày 12/9 với 14 hộ, đợt 3 vào ngày 3/10 với 28 hộ.
Thậm chí, có hộ gia đình đóng thừa tiền dịch vụ nhưng cũng bị cắt nước. Như gia đình chị T.T.N (tòa CT3) đã đóng đủ 12 tháng, nhưng chủ đầu tư vẫn 2 lần cắt nước. Phản ánh đến chủ đầu tư thì đơn vị này cho biết, do chị chưa ký vào giấy cam kết chấp nhận đóng 6.600 đồng/m2.
Bức xúc trước việc này, hàng trăm cư dân đã phản đối và yêu cầu đối thoại với chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có BQL đứng ra làm việc với người dân. Trong đó, mỗi khi đại diện BQL muốn tổ chức đối thoại có sự góp mặt của chủ đầu tư thì đều bị cho nghỉ việc. Từ đầu tháng 9 đến nay, BQL của dự án đã 3 lần thay đổi Giám đốc.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc Constrexim 1 (đại diện liên danh) phủ nhận việc cắt nước của những cư dân thiếu tiền VAT dịch vụ.
Theo ông Trung, việc thu thêm 10% phí dịch vụ là điều bắt buộc, do chủ đầu tư có trách nhiệm với cơ quan thuế. Dự án chưa có ban quản trị nên chủ đầu tư chỉ đứng ra thu hộ.
“Chúng tôi không có lợi gì trong việc thu thêm tiền này. Chưa bao giờ chúng tôi cắt nước những trường hợp thiếu tiền VAT dịch vụ. Chúng tôi chỉ cắt nước những trường hợp thiếu tiền mua bán hợp đồng. Họ nhận nhà 1 năm nhưng 5 lần thông báo vẫn chưa thanh toán hết”.
Khi được hỏi việc tăng phí dịch vụ đã được cư dân đồng thuận hay chưa, ông Trung cho biết đã gửi thông báo đến cư dân. Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được cung cấp các văn bản, ông Trung cho hay: “Không có trách nhiệm tiếp các nhà báo”.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 2 cho biết, sau khi sự việc phát sinh, UBND phường đã nhiều lần mời phía chủ đầu tư lên làm việc. Đơn vị này nêu lý do phí dịch vụ thấp nên cần phải tăng thêm.
Theo ông Quang, trong hợp đồng mua bán của hai bên có ghi thu 6.000 đồng/2 tiền phí dịch vụ và mức này được phép điều chỉnh. Mặc khác, các sửa đổi và bổ sung chỉ có hiệu lực khi được thành lập văn bản và đại diện có thẩm quyền của các bên ký kết. Tuy nhiên, trong các cuộc làm việc với chủ đầu tư thì văn bản này không có.
“Đáng lý ra, chủ đầu tư phải có thông báo về việc điều chỉnh giá cho người dân nhưng thủ tục thiếu dẫn tới hiểu nhầm rồi cắt nước, gây bức xúc cho cư dân”, ông Quang nói.
UBND phường cũng đã yêu cầu chủ đầu tư tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, trong đó có đại diện chính quyền là UBND phường và quận Bắc Từ Liêm, nhưng đến nay chủ đầu tư nói đã trao đổi với cư dân nhiều lần rồi nên không thực hiện, ông Quang cho hay.
Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong hợp đồng mua bán, giá dịch vụ quy định như thế nào thì chủ đầu tư chỉ được phép thu như thế. Nếu có sự điều chỉnh thì cần có sự thương lượng giữa các bên.
“Nếu chủ đầu tư tự ý tăng thêm tiền, mà không thông báo với cư dân thì sai về mặt pháp lý và thiếu tôn trọng cư dân”, Luật sư Lực nêu quan điểm.
Chị T.T.T.N, đại diện cư dân cho biết, đã tập hợp được 600 chữ ký của cư dân về việc không đồng tình với yêu cầu tăng phí dịch vụ của chủ đầu tư, trong đó có khoảng 100 hộ bị cắt nước do thiếu tiền VAT dịch vụ. Sau khi tập hợp xong, có 2 người lạ mặt đến phòng chị đe dọa. Hiện, chị đã trình báo lên công an phường Cổ Nhuế 2. Một cán bộ công an phường này cũng xác nhận đơn trình báo của chị N.