Các ngân hàng đồng loạt báo lợi nhuận tăng vọt. Cổ phiếu quay đầu tăng trở lại và hiện vẫn quanh vùng cao lịch sử. Sự bứt phá của khối nhà băng giúp không ít đại gia Việt thăng hoa, trong đó có Techcombank của tỷ Hồ Hùng Anh.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 71,2% so với cùng kỳ năm trước.
Techcombank duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) dẫn đầu ngành, lần lượt đạt mức 46,1% và 3,7%. Nguồn vốn vững mạnh với tỷ lệ CAR Basel II đạt 15,2%.
Đây là kết quả từ đà phục hồi của nền kinh tế từ quý IV năm trước. Trong đó, với NH, thu nhập từ lãi vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng với nhu cầu tín dụng trong 6 tháng đầu năm duy trì ổn định. Tập khách hàng được mở rộng với nhu cầu gắn kết, sử dụng dịch vụ ngân hàng ngày càng cao giúp Techcombank gia tăng đáng kể thu nhập từ phí.
TCB ghi nhận tổng tài sản tính tới cuối quý II tăng 27,4% so với cùng kỳ và tăng 14,7% tính từ đầu năm 2021 lên hơn 504 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 11,2% so với đầu năm lên 353,7 nghìn tỷ đồng. Tổng tiền gửi tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái và 4,3% kể từ đầu năm lên 289,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, đến 30/6/2021, tỷ lệ nợ xấu đạt mức 0,4%, thấp hơn mức 0,9% tại quý 2 năm 2020 và duy trì mức 0,4% đã công bố cuối quý 1 năm 2021. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020.
Hàng loạt NHTMCP đồng loạt báo cáo lợi nhuận khả quan sau 6 tháng đầu năm 2021.
LienVietPostBank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong 6 tháng. So với chỉ tiêu lợi nhuận 3.200 tỷ đồng của cả năm.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, SeABank đạt đạt kết quả kinh doanh khả quan với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt gần 1.557 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020 và gần bằng mức lợi nhuận của cả năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm ở mức 1,76%.
Trong khi đó, tại thời điểm 30/6/2021, MB có vốn chủ sở hữu hơn 55.900 tỷ đồng, tăng 11,8% so với đầu năm, trong đó lợi nhuận chưa phân phối là hơn 16.400 tỷ đồng, tăng 26,1% so với đầu kỳ. NH có tổng cộng 2.530 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 0,76% trên tổng dư nợ, giảm 22% so với cùng kỳ. đến hết quý 2 năm nay, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MB đạt tới 310% (tức cứ 1 đồng nợ xấu ngân hàng dự phòng tới 3,1 đồng), là mức cao nhất trong toàn ngành.
VPBank (VPB) báo lãi trước thuế 9.000 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 37% so với cùng kỳ, tương đương 54% kế hoạch năm. MBBank (MBB) đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, tương đương 60% kế hoạch năm.
ACB cũng báo lãi trước thuế nửa đầu năm 6.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 60% kế hoạch năm. Còn VIBank báo lãi gần 4 nghìn tỷ đồng, tăng 68% cùng kỳ.
Sự bứt phá của các ngân hàng giúp tài sản của các ông chủ tăng mạnh. Ông Hồ Hùng Anh tiếp tục gia tăng túi tiền tỷ USD của mình. Thậm chí, tài sản của gia đình các tỷ phú còn tăng mạnh nhờ hoạt động mua vào.
Ngân hàng của tỷ phú Hồ Hùng Anh bứt phá. |
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), con gái tỷ phú Hồ Hùng Anh đã mua hơn 22 triệu cổ phiếu TCB từ ngày 12/7 đến 16/7/2021 theo giao dịch thoả thuận. Trước giao dịch, bà Hồ Thuỷ Anh không sở hữu cổ phiếu nào của TCB.
Ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ hơn 39,3 triệu cổ phiếu TCB, tương đương với tỷ lệ sở hữu hơn 1,12%. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hùng Anh sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, mẹ ông Hùng Anh cũng sở hữu hơn 174 triệu cổ phiếu TCB. Ngoài ra, con trai ông là Hồ Anh Minh cũng đang nắm giữ gần 138 triệu TCB; bà Nguyễn Hương Liên, em dâu sở hữu hơn 69 triệu TCB.
Trên sàn chứng khoán, ông Hồ Hùng Anh có tài sản đứng thứ 4, sau ông Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long và Bùi Thành Nhơn.
Chỉ số chứng khoán VN Index 21/7
Mở cửa phiên sáng 21/7, nhiều cổ phiếu biến động với biên độ thấp hơn sau những phiên tụt giảm trước đó và một phiên hồi phục khá ấn tượng hôm 20/7. Chỉ số VN-Index có xu hướng tăng nhẹ.
Chỉ số VN-Index mở cửa tăng hơn 4 điểm lên gần ngưỡng 1.280 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản phân hóa, một số tăng điểm trong khi một số mã giảm. Giao dịch khá thận trọng với thanh khoản thấp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu chịu áp lực bán ra.
Theo MBS, tâm lý đã đảo chiều tích cực. Những người cần bán giảm margin cũng đã bán, dòng tiền đứng ngoài cũng đang có sự sốt ruột nhất định khi thị trường đang tăng trở lại sau khi test vùng đáy hỗ trợ 1.220 điểm. Về kỹ thuật, một phiên tăng điểm như hôm nay chưa thể kết luận được thị trường sẽ đi theo kịch bản nào trong vài phiên tới, ngoài rủi ro bên ngoài không lường trước, lượng hàng T+ về ở ngày thứ 5 và thứ 6 sẽ là bài test hoạt động bắt đáy 2 phiên vừa rồi thành công đến đâu, qua đó sẽ đánh giá thêm về xu hướng của thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 20/7, chỉ số VN-Index tăng 29,78 điểm lên 1.273,29 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 9,04 điểm lên 301,11 điểm. Upcom-Index tăng 1,1 điểm lên 83,69 điểm. Thanh khoản trên thị trường đạt 20,6 nghìn tỷ đồng.
V. Hà