Gừng đen được nhiều người lùng mua dù giá vô cùng đắt đỏ, lên đến 1-1,5 triệu đồng/kg. Còn thứ mật ong đen siêu hiếm được khai thác từ vùng núi cao Ngọc Linh có giá tới cả triệu đồng/lít vẫn khó mua.
Củ gừng siêu đắt, đặt trước vài tháng mới có
Từ xưa, gừng đen hay còn gọi là ngải tím, được mọi người truyền tai nhau dùng để chữa bệnh. Loài cây này thường mọc hoang ở những vùng núi cao, dưới tán rừng hay các triền đồi nhưng chúng thường phát triển rất chậm và khó trồng, nhất là với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồng bằng.
Vì vậy, ở nước ta, củ ngải tím khá khan hiếm và lạ lẫm với nhiều người. Ngày nay, ngải tím càng trở nên quý hiếm trong khi nhu cầu của người dân tăng cao.
Gừng đen có thời điểm giá tới 1-1,5 triệu đồng/kg (Ảnh: Nguyễn Giáp) |
Củ gừng đen bên ngoài trông như củ nghệ hay gừng ta nhưng bên trong thay vì màu vàng, cam thì lại là màu tím đen. Đặc biệt, vị của chúng hơi đắng, cay nồng có mùi thơm đặc trưng giống như thuốc bắc. Được coi là vị thuốc quý có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, gừng đen được nhiều người lùng mua bất chấp giá vô cùng đắt đỏ, có thời điểm lên đến 1-1,5 triệu đồng/kg gừng đen khô.
Thứ mật đen siêu hiếm, hàng triệu đồng 1 lít vẫn khó mua
Nếu như mật ong thường có vị ngọt với màu nâu cánh gián hoặc màu vàng đặc trưng thì loại mật ong từ hoa sâm Ngọc Linh có màu đen, vị hơi đắng trở nên khá mới lạ với nhiều người. Sở dĩ loại mật ong này có màu đen, vị hơi đắng là bởi được khai thác từ con ong hút mật cây hoa sâm Ngọc Linh - loài hoa vốn có vị ngọt thơm, đắng nhẹ - và một số cây dược liệu quý khác tại vùng núi này.
Mật ong được khai thác từ vùng núi Ngọc Linh có màu đen, sậm hơn so với các loại mật ong khác (Ảnh: Phạm Tươi) |
Đây được coi là đặc sản hiếm có của vùng đất Tây Nguyên. Loại mật này chỉ có ở vùng núi cao, trên đỉnh Ngọc Linh từ độ cao 1.400m so với mực nước biển, rất khó khai thác. Thêm nữa, tổ mật ong đắng thường rất nhỏ, cho sản lượng mật ít nên chúng luôn được người sành ăn săn lùng mỗi khi đến mùa dù có giá đắt đỏ, lên tới cả triệu đồng 1 lít vẫn khó mua vì chúng siêu hiếm.
Cây đu đủ sai trĩu quả được định giá 7 tỷ
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện một cây đu đủ dị biệt thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Theo hình trong đoạn clip, cây đu đủ này thuộc giống đực nhưng sai trĩu quả, nhìn như chùm xoài. Quả đu đủ nào cũng to và như được treo bằng một sợi dây dẻo dai, chắc chắn.
Đáng chú ý, trong clip một người phụ nữ định giá tới... 7 tỷ cho cây đu đủ này khi được một người đàn ông hỏi mua. Nhưng dân tình cũng đoán được đây chỉ là màn định giá cho vui của dân mạng, theo Tri thức và Cuộc sống.
Câu được con cá chẽm hàng hiếm gây xôn xao
Một ngư dân ở Quảng Ngãi vừa câu được một con cá chẽm "khủng" dài 1m, nặng 14kg tại cửa biển Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) khiến giới cần thủ xôn xao. Rất đông người dân hiếu kỳ đến xem.
Con cá chẽm nặng 14 kg (Ảnh: Dân Trí) |
Con cá chẽm này có chiều dài 1m, nặng 14kg. Bình thường cá chẽm chỉ nặng đến 5kg đã được coi là lớn. Đây là con cá chẽm lớn nhất từng xuất hiện tại khu vực biển Sa Kỳ.
Bỏ 130 triệu xây nhà trên cây ở Hà Nội
Do rảnh rỗi trong dịp dịch Covid-19 bùng phát, từ tháng 12/2020, trên Zing, anh Lê Ngọc Tú (38 tuổi) cho biết đã bỏ ra 130 triệu đồng làm một căn nhà trên cây nhãn gần 50 tuổi có sẵn trong khu đất rộng 300m2 ở xã Xuân Canh (huyện Đông Anh, Hà Nội).
Căn nhà rộng 22 m2, cách mặt đất 2,8 m và nằm gọn dưới tán cây là thành quả sau gần 1 tháng thi công. Đồ vật bên trong ngôi nhà như đệm, gối, quạt... được bày trí đơn giản tiện cho việc nghỉ ngơi, thư giãn. Anh Tú cũng lắp đặt điều hòa để ở vào mùa hè. Hệ thống điện được đi ngầm trong tường.
Ép lá cây thành đĩa dùng một lần, xuất đi châu Âu
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một dự án khởi nghiệp bằng việc ép nhiệt cho những lá cây tra để tạo thành những sản phẩm là những chiếc đĩa xinh đẹp bước đầu cho thấy tín hiệu khả quan. Dự án táo bạo này vừa được anh Nguyễn Văn Tuyến (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) và chị Nguyễn Thị Thu Hà thực hiện.
Lô sản phẩm làm từ lá tra đầu tiên đã được xuất khẩu sang Ba Lan. |
Anh Tuyến vốn được biết đến là người ép mo cau thành các sản phẩm gia dụng hữu ích như đĩa, khay, thân thiện với môi trường. Từ thành công với mo cau, anh Tuyến và chị Hà đã thực hiện thành công với thử nghiệm đưa lá tra vào máy ép nhiệt để tạo nên những chiếc đĩa nhỏ xinh. Những chiếc đĩa này có thể dùng để đựng các loại hạt, bánh kẹo, salad, đồ ăn,... thay thế cho những chiếc đĩa bằng xốp nhựa dùng một lần.
Ngoài việc chào bán sản phẩm tại thị trường trong nước, các sản phẩm này còn được hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Lô sản phẩm 7.000 chiếc đĩa làm từ lá tra đầu tiên đã được xuất khẩu sang Ba Lan.
Quán phở mậu dịch hiếm hoi còn lại ở Hà Nội quán
Giữa Hà Nội còn sót lại quán phở mậu dịch của vợ chồng ông chủ U70 nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Đông Tác (Đống Đa). Quán được thực khách gắn cho cái tên "phở mậu dịch", "phở bao cấp".
Theo Dân trí, đây là quán hiếm hoi ở Hà Nội còn giữ được công thức nấu phở từ thời mậu dịch, bao cấp. Bát phở ở đây có hương vị đậm đà, nước dùng ngọt thanh, bánh phở không bị nhũn, thịt bò chín rất mềm. Tô phở là một sự kết hợp tròn vị giữa bánh phở, nước lèo, thịt bò mềm thuyết phục mọi lứa tuổi.
Quán mở bán từ 5 rưỡi sáng, những ngày đông khách, chỉ 7 rưỡi sáng đã hết nhẵn. Vì vậy, nếu muốn thưởng thức phở bò hương vị thời bao cấp, khách phải đến quán trước 7 rưỡi sáng.
Miền Tây có loại bánh mang tên rất lạ nhưng ăn thì dễ "nghiện"
Từ lâu, miền Tây là nơi nổi tiếng với nhiều đặc sản và món ăn ngon. Trong đó, có nhiều loại bánh ngon, độc lạ. Có những món bánh rất lạ nhiều người còn chưa nghe tên bao giờ, ví dụ như bánh cúng.
Nói về cái tên độc đáo của món bánh này, nhiều giả thuyết cho rằng, ngày xưa tên bánh là bánh cuốn do cách làm bánh là phải cuốn lá chuối lại. Nhưng sau này dễ nhầm lẫn với món bánh cuốn nóng nhân thịt nên mới đọc chệch sang thành bánh cúng. Cũng có người cho rằng đây là loại bánh dùng để cúng ông bà tổ tiên, cúng giỗ, cúng rằm nên mới có tên như vậy Nhiều người cho biết, bánh cúng càng ăn càng "nghiện".
Anh nông dân nổi tiếng với màn "chơi DJ" trước đàn vịt ngàn con
Mới đây, một clip thú vị gây "sốt" trên mạng xã hội đã thu hút gần 20 triệu lượt xem. Đáng chú ý, hình ảnh một anh nông dân chăn vịt đã có màn hóa thân hài hước khi biến mình thành một DJ chuyên nghiệp, đứng trước các "khán giả" là những chú vịt.
Vừa tung thức ăn cho vịt ăn, anh vừa làm động tác giống như một DJ đang chỉnh hệ thống âm thanh ở bar. Clip của anh đã nhận được nhiều sự ủng hộ cũng như bình luận của cộng đồng mạng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)