“Lan đột biến trăm tỉ” trở thành từ khoá nóng thời gian qua. Liên tiếp các vụ lừa đảo chủ vườn lan ôm 200 tỉ đồng bỏ trốn, bị lừa 10 tỉ đồng vì mua lan đột biến giả xuất hiện gây xôn xao dư luận.
Không chỉ mất tiền, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần, thậm chí phải bỏ trốn vì đầu tư lan đột biến.
Cú lừa trăm tỉ, không biết kêu ai
Cơn sốt lan đột biến đẩy lên đỉnh điểm khi các đại gia sẵn sàng vung tay cả trăm tỉ đồng để mua. Không ít hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền ngân hàng tham gia góp vốn kinh doanh lan đột biến. Và khi phát hiện bị lừa, không ít người mua “hàng dởm” chỉ còn cách cay đắng chấp nhận vì kẻ lừa đảo đã “cao chạy xa bay”.
“Tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua lan đột biến. Mua về rồi lúc hoa nở mới thấy màu tím, trong khi lan đột biến phải có màu trắng ngọc. Mà tiền tôi dùng mua hoa chủ yếu vay ngân hàng và huy động vốn từ người dân”, anh Nguyễn Văn Sự (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.
Hình ảnh trong một diễn đàn chơi lan đột biến, nhiều thương vụ mua bán lan lên tới tiền tỉ diễn ra tại một số địa phương thời gian qua. Ảnh: Chụp màn hình |
Theo lời kể của anh Sự, cuối tháng 10.2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B.N (Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H.C (Ngọc Tảo, Hoài Đức), L.B.D (An Phước, Long Thành, Đồng Nai), T.V.T và T.V.Đ (Yên Thuỷ Hoà Bình)...
Tuy nhiên, trước tình trạng nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, nên anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc. Anh liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được.
“ Tôi đã viết đơn trình báo sự việc trên lên cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện tại các đơn khiếu nại vẫn chưa được giải quyết do các đối tượng trên không thể liên lạc được. Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỉ đồng”, anh Sự nói.
Ngày 12.4, giới chơi lan đột biến xôn xao trước thông tin một chủ vườn lan đột biến ở xã Hòa Nam (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) ôm theo 200 tỉ đồng rồi bỏ trốn. Nhóm phóng viên Báo Lao Động đã về địa phương tìm gặp phía gia đình anh T. để tìm hiểu thông tin về vụ việc.
Chia sẻ với Báo Lao Động, anh N.H.P (30 tuổi, em trai anh T) cho hay: “Những năm qua, anh T. làm ăn mỗi năm thu về từ 3 tỉ - 5 tỉ đồng. Nhưng từ khi bắt tay làm ăn với người đàn ông tên C. (trú tại Hoài Đức, Hà Nội), công việc kinh doanh bắt đầu gặp sự cố”.
Ông C. muốn hợp tác cung cấp lan đột biến cho anh T. bán. Tuy nhiên, sau khi bán khách hàng anh T. phát hiện đó không phải lan đột biến nên quay lại bắt đền. Anh T. rơi vào cảnh nợ nần, phải bán xe ôtô, bán đất đi vẫn không đủ trả nợ.
“Giao dịch lan đột biến đánh vào lòng tham của người dân”
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Mẽ - Trưởng Công an huyện Hoài Đức cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận đơn trình báo của công dân về vụ việc liên quan lan đột biến.
Theo ông Mẽ, hiện tại, giao dịch hoa lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo rất nhiều, giao dịch này đánh vào lòng tham của một số bộ phận người dân. Đây là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán, nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Giao dịch lan đột biến không giống như giao dịch khác, lan không đánh số như giao dịch xe máy có số khung, số máy để kiểm tra. Khi giao dịch xong, nhiều người mang hoa về thì mới phát hiện ra mình bị lừa.
Ngân hàng đề nghị kiểm soát cho vay có yếu tố lan đột biến
Đã có rất nhiều bài báo, lời cảnh báo đến từ cơ quan công an, chuyên gia, nhưng không ít người vì lòng tham vẫn chạy theo bong bóng lan đột biến. Để có tiền đầu tư lan đột biến, không ít người tìm đủ cách để “xoay tiền” từ huy động người thân, vay tín dụng đen đến thế chấp đất đai, nhà cửa vay tiền ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình đã đề nghị các ngân hàng trên địa bàn kiểm soát hoạt động cho vay có yếu tố lan đột biến. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hòa Bình vừa có Công văn số 227/HBI-TTGSNH đề nghị các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao, nhất là có liên quan đến yếu tố lan đột biến.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Quang Lợi - Phó Giám đốc NHNN tỉnh Hoà Bình cho biết: “Trên tinh thần chỉ đạo của Tỉnh uỷ, NHNN tỉnh Hoà Bình có văn bản cảnh báo, nhắc nhở các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện đúng quy trình cho vay chặt chẽ theo Thông tư 39. Tỉnh Hoà Bình có tình trạng giá lan đột biến tăng nóng, thêm vào đó là giá đất sốt nóng làm khó nhà đầu tư… Chúng tôi cảnh báo người dân cần hết sức thận trọng, kể cả tiền của mình hay tiền đi vay, trong lúc chưa kịp đầu tư vào sản xuất, không nên thấy món hời trước mặt lại đầu tư vào lan đột biến”.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn tập trung chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ kiểm tra, rà soát lại các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất kinh doanh, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa lan đột biến, phát hiện kịp thời khách hàng sử dụng vốn vay đầu tư vào lĩnh vực này để cảnh báo rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng; kiểm soát chặt chẽ các dự án vay vốn mới, trong quá trình thẩm định phải phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, tổ dân phố, thôn, xóm... để nắm bắt thông tin cơ bản của dự án và chủ dự án, thận trọng khi đầu tư vốn vào các dự án nêu trên.
NHNN chi nhánh tỉnh Hoà Bình yêu cầu các ngân hàng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết Hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay.Các ngân hàng được yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngân hàng liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa lan đột biến để lừa đảo.
(Theo Lao Động)