Cụ thể, trong 5 tháng, cả nước có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và 39,5% về vốn đăng ký. Đồng thời, số doanh nghiệp trở lại hoạt động là 22.600 doanh nghiệp, tăng gần 4%.
Như vậy, trong giai đoạn này, tính chúng hai nhóm trên, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động là 78.300 doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc trung bình mỗi tháng có gần 15.700 doanh nghiệp.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới từ đầu năm là 14 tỷ đồng. Nếu tính cả 975.100 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 27,5% cùng kỳ.
Song, ở chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm, thị trường cũng ghi nhận 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ.
Trong đó, 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3%; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương mỗi ngày có 400 doanh nghiệp.
Đợt bùng phát dịch thứ tư này đang gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo tính toán nhanh từ các hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh... kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.
Các doanh nghiệp du lịch, hàng không tiếp tục bị "đóng băng" gần như mọi hoạt động, kéo theo hơn 2 triệu lao động ngành này bị mất việc làm hoặc cắt giảm mạnh lượng công việc.