Trong tháng 6 vừa qua, 4 mẫu xe hiện còn kinh doanh tại phân khúc này gồm Toyota Camry, Mazda6, Kia K5 và Honda Accord (không tính Volkswagen Passat do hãng giấu kín doanh số) chỉ đạt doanh số 155 xe – thấp nhất thị trường nếu so với bất kỳ phân khúc nào khác.
Cộng dồn 6 tháng đầu năm, cũng mới chỉ có 1.077 chiếc sedan cỡ D được bàn giao đến tay khách Việt, chỉ bằng 43% so với cùng kỳ 2023 (2.499 xe). Đáng chú ý, nửa đầu năm 2023 cũng ghi nhận doanh số sedan hạng D giảm 61% so với cùng kỳ 2022 (6.343 xe). Như vậy trong nửa đầu 3 năm gần nhất,doanh số các mẫu sedan hạng D cứ năm sau chỉ còn chưa đến 1 nửa so với năm trước– mức sụt giảm chưa từng có trong lịch sử.
Được xem là “ông vua” ở phân khúc này, Toyota Camry cũng chỉ đạt doanh số 660 chiếc trong nửa đầu năm nay, Mazda6 ghi nhận doanh số 237 chiếc, Kia K5 là 132 xe còn Honda Acccord là 48 xe. Đáng chú ý, các mẫu sedan hạng D đều nhận hàng loạt ưu đãi lớn, chẳng hạn Honda Accord thường xuyên giảm giá khoảng 200 triệu nhưng vẫn kén khách.
Theo các chuyên gia, sự sụt giảm doanh số của xe sedan hạng D tại Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thị trường thế giới khi các mẫu sedan cỡ trung hiện không còn được ưa chuộng. Người dùng giờ đây yêu thích các mẫu xe gầm cao với thiết kế đẹp, mạnh mẽ, đa dụng hơn.
Thực tế trong vài năm qua, đã có hàng loạt cái tên rút khỏi phân khúc này như VinFast, Nissan hay Hyundai. Các thương hiệu còn kinh doanh cũng không quá mặn mà với thị trường mà chỉ duy trì kinh doanh với mục đích lấp đầy dải sản phẩm.
Không riêng sedan cỡ D, sedan cỡ C tại Việt Nam cũng đang chứng kiến doanh số lao dốc mạnh khi chỉ có hơn 5.000 xe được bàn giao trong nửa đầu năm nay so với mức hơn 6.800 xe của năm ngoái. Trước đó vào năm 2022, có đến hơn 16.700 chiếc sedan cỡ C bán ra.