Trong số những nền kinh tế bị ảnh hưởng có Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia…
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng điều tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước. Triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục tăng lãi suất có thể "gây thêm đau đớn" cho các nền kinh tế có nguy cơ bị tổn thương ở châu Á.
"Chúng ta đang chứng kiến việc siết chặt chính sách tiền tệ khắp thế giới, sự sụt giảm nhu cầu của Trung Quốc và tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính. Tất cả ảnh hưởng đến tâm lý và quyết định của nhà đầu tư… Cú sốc kinh tế thật sự vẫn chưa đến" - ông Aidan Yao, nhà kinh tế học cao cấp tại Công ty Quản lý tài sản AXA Investment Managers (Pháp), cảnh báo.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang chịu sức ép từ cuộc chiến thương mại với Mỹ Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, theo Reuters, lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc hầu như giậm chân tại chỗ vào tháng rồi sau khi chững lại hồi tháng trước đó do nhu cầu sụt giảm trong và ngoài nước. Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc trong quý III/2018 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2009.
Tình hình có thể u ám thêm trong trường hợp Bắc Kinh và Washington không sớm đạt được thỏa thuận liên quan đến tranh cãi thương mại. Khi đó, mức thuế 10% đánh vào 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu mà Mỹ mới áp dụng có thể tăng lên 25%. Ngoài ra, khoảng 250 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Bắc Kinh có thể chịu chung số phận.
"Sau ngày 1-1-2019, chúng ta có thể chứng kiến nhiều hoạt động thương mại và kinh tế hỗn loạn" - ông Kevin Lai, chuyên gia kinh tế tại Công ty Daiwa Capital Markets (Nhật Bản), dự báo. Một kịch bản như thế chắc chắn không phải là điều tốt lành với các thị trường tài chính châu Á.