Sau chuỗi ngày bứt phá lên tầm tỷ USD, doanh nghiệp của bà Cao Thị Ngọc Dung bắt đầu lao dốc cho dù đã thoát vũng lầy DongABank. Ông Trịnh Văn Quyết chứng kiến túi tiền bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng chỉ trong 1 phiên.
Thị trường chứng khoán (TTCK) tiếp tục dậy sóng với sự bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Tuy nhiên, sự phân hóa ngày càng mạnh mẽ hơn.
Một số cổ phiếu sau một thời gian tăng dài đã quay đầu giảm liên tục khiến túi tiền của nhiều đại gia bốc hơi mạnh. Hàng loạt các cổ phiếu vẫn giậm chân tại chỗ với giá dưới ngưỡng 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận chứng kiến phiên giảm thứ 6 liên tiếp sau khi lên đỉnh cao lịch sử. Tính chung trong 6 phiên này, PNJ của nữ đại gia Cao Thị Ngọc Dung giảm tổng cộng 21 ngàn đồng, từ mức 206.000 đồng/cp về 185.000 đồng/cp.
Hiện tại ông Trần Phương Bình (chồng bà Dung) không sở hữu cổ phần nào tại PNJ. Trong khi đó, bà Cao Thị Ngọc Dung đang nắm giữ gần 10 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 9,2% cổ phần); 2 con gái bà Dung là Trần Phương Ngọc Thảo đang sở hữu 2,37 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 2,2%) và Trần Phương Ngọc Giao nắm giữ 3,63 triệu cổ phiếu PNJ (tương đương 3,4%). Em bà Dung là Cao Ngọc Duy nắm 1,13 triệu cổ phiếu PNJ (1,05%).
Như vậy, tổng cộng nhà bà Dung đang nắm giữ 17,1 triệu cổ phiếu PNJ (15,8%), trị giá hơn 3.500 tỷ đồng vào lúc giá cổ phiếu cao nhất ở mức 206.000 đồng/cp. Sau 6 phiên giảm, nhà bà Dung đã mất tổng cộng 360 tỷ đồng.
Trước đó, PNJ của bà Dung đã tăng gần như liên tục trong vòng 6 tháng, giúp vốn hóa tăng thêm 500 triệu USD lên ngưỡng 1 tỷ USD. Đây cũng là khoảng thời gian thăng hoa nhất trong cuộc đời làm kinh doanh của nữ doanh nhân quyền lực này, bất chấp ông Trần Phương Bình bị xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DongABank, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAF hàng ngàn tỷ đồng, gây lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu hàng chục ngàn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Cổ phiếu ROS của FLC Faros của ông Trịnh Văn Quyết thậm chí còn giảm sàn mất 9.200 đồng xuống 122.800 đồng/cp. Hiện ông Quyết đang nắm gữi 318,5 triệu cổ phiếu ROS. Vợ ông Quyết, bà Lê Thị Ngọc Diệp, đang nắm giữ hơn 22 triệu cổ phiếu. Với cú tụt giảm này, nhà vợ chồng ông Quyết chứng kiến túi tiền giảm hơn 3.100 tỷ đồng.
Trên TTCK, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục chứng tỏ sức mạnh dẻo dai. Sau một thời gian chung lại, nhóm này lại dậy sóng và đưa thị trường lên một đỉnh cao mới.
Các cổ phiếu BID, CTG, VPB, HDB,... tiếp tục bứt phá. Trong đó, HDB tăng khá ấn tượng và hiện đã lên tới 48.700 đồng/cp.
HDBank của nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo vừa báo lãi trước thuế quý 1/2018 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Tổng tài sản tăng vọt thêm 17,2% lên trên 181 ngàn tỷ đồng.
Các ngân hàng khác đều đang phát đi tín tích cực và có thể có kết quả kinh doanh ấn tượng giống như trong năm 2017 vừa qua.
Nhiều công ty chứng khoán đưa ra dự báo cho rằng TTCK tích cực trong ngắn hạn và thị trường vẫn tiếp tục phân hóa. Các báo cáo từ kết quả kinh doanh quý 1 và mùa đại hội cổ đông tiếp tục thổi thêm sức cho đà tăng của VN-Index.
Trước đó, kết thúc phiên giao dịch 9/4, VN-index tăng 4,37 điểm lên 1.204,33 điểm; HNX-Index giảm 0,23 điểm xuống 137,79 điểm. Upcom-Index giảm 0,19 điểm xuống 60,45 điểm. Thanh khoản đạt 340 triệu cổ phần. Giá trị đạt 9,6 ngàn tỷ đồng.
V. Hà