Tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí...
Trước mắt là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, các tổ chức tín dụng sẽ tiết giảm chi phí để dành khoảng 250.000 tỷ VND cho khách hàng vay mới với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5%-1,5%/năm.
Những doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được xem xét cho vay mới từ gói tín dụng này nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái mạnh mẽ trong việc giảm hàng loạt lãi suất điều hành, trong đó lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tại các ngân hàng giảm chỉ còn 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm còn 5%/năm và tái chiếu khấu chỉ còn 3,5%/năm.
Đầu tháng 3, nhận thấy thiệt hại nghiêm trọng mà các doanh nghiệp đang gặp phải, Tổng cục Thuế đã có Công văn số 897/TCT-QLN với nội dung gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối tượng được gia hạn nộp thuế là những đơn vị sản xuất, kinh doanh bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Trong đó, thiệt hại được giải thích là những tổn thất về tài sản của người nộp thuế, tính được bằng tiền như: máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư, hàng hóa, nhà xưởng, trụ sở làm việc, tiền, các giấy tờ có giá trị như tiền.
Tương tự như thế, việc gặp dịch bệnh cũng là một lý do chính đáng để doanh nghiệp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp thuế.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị một bộ hồ sơ, trong đó có 4 loại yêu cầu:
1- Văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo mẫu số 01/GHAN ban hành kèm theo Thông tư này;
2- Biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất thiệt hại do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập;
3- Văn bản xác nhận về việc người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: cơ quan công an; UBND cấp xã, phường; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn;
4- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có); hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (bản sao có công chứng hoặc chứng thực nếu có). Đối với người nộp thuế là pháp nhân thì các tài liệu nêu trên phải là bản chính hoặc bản sao có chữ ký của người đại diện theo pháp luật, đóng dấu của đơn vị.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng "ngủ đông" do dịch Covid-19 gây ra, đối với các doanh nghiệp, không chỉ có thuế, bảo hiểm cũng là một gánh nặng lớn.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 9/3/2020 đã ban hành Công văn 797, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 860 hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, không tính lãi.
Đối tượng được tạm dừng là các doanh nghiệp có ngành nghề vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, dẫn đến có 50% lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bị tạm thời nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.
Thời gian tạm dừng đóng là đến hết tháng 6/2020. Sau đó, nếu dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp có đề nghị thì vẫn được xem xét, giải quyết tạm dừng đóng đến tháng 12/2020.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hay kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Kết thúc thời gian tạm dừng đóng (hết tháng 6/2020), Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố kịp thời thông báo và đôn đốc doanh nghiệp đóng đủ các quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, bao gồm cả việc đóng bù quỹ hưu trí và tử tuất của thời gian tạm dừng đóng trước đó.
Theo Công văn 553/BHXH-QLT TP Hồ Chí Minh hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục như sau:
1- Doanh nghiệp liên hệ cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lao động thuộc diện tham gia BHXH tạm thời nghỉ việc so với tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
Hoặc, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan Tài chính xác định giá trị tài sản bị thiệt hại được tính so với giá trị tài sản theo báo cáo kiểm kê tài sản gần nhất trước thời điểm bị thiệt hại theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 88 Luật BHXH năm 2014, các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 16 Nghị định 115/2015/NĐ- CP ngày 11/11/2015 của Chính Phủ và Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2- Doanh nghiệp lập hồ sơ gửi cho cơ quan BHXH theo phiếu giao nhận 600a, kèm văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất để được giải quyết.