Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội nghị về Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2030 sẽ có ít nhất 70 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường đạt trên 1 tỷ USD, 120 doanh nghiệp có doanh thu thuần đạt trên 1 tỷ USD và 100 doanh nghiệp đạt lợi nhuận trước thuế trên 100 triệu USD.
Số lượng doanh nghiệp được xếp vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới tăng 10% mỗi năm.
Đặc biệt, vào năm 2030 Việt Nam sẽ có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú đô la thế giới, 05 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, trong đó hình thành và phát triển nhiều doanh nhân lãnh đạo các tập đoàn kinh tế mạnh, có tiềm lực, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phát huy vai trò mở đường dẫn dắt các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Về phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đặt kỳ vọng, khu vực doanh nghiệp sẽ đóng góp khoảng 65 - 70% GDP cả nước, khoảng 32 - 38% tổng việc làm trong nền kinh tế, 98 - 99% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động xuất nhập khẩu trong tổng số doanh nghiệp đạt khoảng 10%. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 65 - 70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên.
Mục tiêu đến năm 2045, một số doanh nhân làm chủ các tập đoàn có khả năng dẫn dắt các chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, tiến tới hình thành một số chuỗi giá trị của Việt Nam trong các ngành ưu tiên, có thế mạnh của đất nước.
Hình thành và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín trong khu vực và quốc tế. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng, Chính phủ yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức thường niên Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu trên phạm vi toàn quốc để kịp thời động viên, khuyến khích, vinh danh và tháo gỡ các rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo nhu cầu, phối hợp với các Hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý để động viên, khuyến khích, vinh danh và nắm bắt mong muốn, yêu cầu hỗ trợ, xử lý trong thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, doanh nhân.
Về định hướng chính sách, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền các nhiệm vụ được quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng và ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tính đến tháng 3/2024, cả nước có khoảng 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nền kinh tế còn có sự tham gia của khoảng 32.000 hợp tác xã, và 5,2 triệu cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân đã lên đến hàng triệu người.
Tính đến hết năm 2022, Việt Nam đã có 172 doanh nghiệp và 325 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Trong đó, có một số thương hiệu quốc gia đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường khu vực và quốc tế.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, đội ngũ doanh nhân hiện nay có hàng triệu người, với gần 920.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp mang tầm quốc tế như Viettel, PVN, Vietcombank, Vinfast, Vinamilk, Thaco Trường Hải.
Nhưng ông Nghĩa cho rằng, phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nhân chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đặc biệt đạo đức kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của một bộ phận doanh nhân chưa cao, thậm chí một bộ phận doanh nhân còn vi phạm pháp luật.
"Tình trạng doanh nghiệp, doanh nhân câu kết với cán bộ các cấp, nhất là cán bộ có chức, có quyền thực hiện các hành vi như tham nhũng, tiêu cực, chiếm đoạt, gây thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản, nguồn lực của Nhà nước, nhân dân, thậm chí tạo ra một môi trường kinh doanh thiếu lành mạnh vẫn còn diễn ra", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.