Cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km, làng Bình Đà, trong dân gian gọi là làng Bùi, nay thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có 3 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản, gồm gốc trôi nằm ở cánh đồng làng, một cây đa tía và cây muỗm trong Đền Nội đã hơn 300 tuổi. Trong đó, nổi tiếng và lâu đời nhất là cây trôi đã hơn 1.000 tuổi, thuộc địa phận xóm Chua (xưa gọi là thôn Minh Châu, dịch ra tức là Hòn Ngọc Sáng).
Theo chủ từ Đền Nội Bình Đà, trước đây, trong làng có 3 cây trôi cổ thụ có cùng niên đại. Trong đó, một cây ở phía sau Đền Nội, một cây mọc trong làng và cây trôi thứ 3 mọc ở đầu làng, thuộc địa phận xóm Chua.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ còn duy nhất cây trôi nằm ở đầu làng còn sống. Cây trôi cổ thụ nằm phía sau đền nội đã bị người dân chặt hạ để làm đồ nội thất. Cây trôi thứ 2 nằm trong làng bị chết do nằm gần nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo ước tính, cây trôi làng Bình Đà phải trên 1.000 năm tuổi, tán xòe rộng, nhìn từ xa giống như một chiếc ô mở rộng.
Được biết, cây trôi có đường kính tán cây khoảng 15 m, chu vi gốc cây khoảng 8 m.
Cây có rất nhiều nhánh, phủ rêu phong.
Gốc cây rất to, phải 6 người đàn ông trưởng thành ôm mới hết.
Người dân trong làng cho biết, cây trôi nghìn năm thường 2 năm mới ra hoa, kết trái và thường ra vào tháng 12 âm lịch.
Hiện tại, cây trôi bị rỗng một phần gốc.
Cây trôi làng Bình Đà gắn liền với thăng trầm lịch sử của người dân trong làng.
Ông Thịnh, thủ nhang Đền Nội Bình Đà cho biết, cây trôi của làng tương truyền được Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, thời Đinh Bộ Lĩnh trồng làm mốc ranh giới giữa làng Bình Đà và làng Sinh Quả. Đến nay, sau hơn 1.000 năm, cây trôi cổ thụ làng Bình Đà vẫn còn xanh tốt và trở thành nhân chứng lịch sử của người dân trong làng.