Tại hội thảo liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Đại diện Alibaba.com tại thị trường Việt tổ chức mới đây, bà Savannah Zheng, Giám đốc điều hành Công ty Guangzhou Awins Training và Guangzhou Yixin International, Chuyên gia và giảng viên toàn cầu về TMĐT kể, trước khi đến Việt Nam đã phỏng vấn học viên ở Trung Quốc lẫn Việt Nam về thị trường Việt Nam ngày nay. Nhiều học viên là doanh nghiệp (DN) có nhà máy tại Việt Nam, khi trao đổi nhận được phản hồi thú vị.
Họ nói đại ý rằng thiên đường thì rất xa nhưng Trung Quốc thì ngay ở đây. Hoặc họ nói “ made in Viet Nam” nhưng cũng chỉ là “made in China”, nghĩa là Việt Nam cũng đang muốn vươn lên trở thành thị trường lớn về xuất khẩu.
“Tôi tin chắc Việt Nam có tiềm năng lớn và làm được. Vì Việt Nam có dân số lớn đứng thứ 15 thế giới, có dân số trẻ khi nhóm dân số từ 25-30 tuổi chiếm nhiều nhất; thứ ba là chi phí nhân công tại Việt Nam trung bình khoảng 200 USD/tháng, thấp hơn so với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia…”, bà Zheng nói.
Làn sóng DN bỏ Trung Quốc vào Việt Nam
Theo bà Zheng, những con số từ năm 2014 đến nay cho thấy thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng lớn. Chẳng hạn năm 2018 TMĐT Việt Nam đạt 6,2 tỷ USD, năm 2020 dự báo tăng lên 10 tỷ USD. Đây là xu hướng vô cùng thuận lợi cho các nhà cung ứng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện nay đang diễn ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc nên nhiều khách hàng đang tìm kiếm những nhà cung ứng tại Việt Nam thay vì ở Trung Quốc. Đây là lí do nhiều nhà cung ứng ở Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư, mở ra các nhà máy.
Đối với các nhà nhập khẩu, nếu họ nhập hàng từ Trung Quốc sẽ chịu thuế cao. Vì vậy, giá của sản phẩm Trung Quốc không còn đủ hấp dẫn các nhà nhập khẩu trên thế giới nữa.
Việt Nam sắp có triển lãm thương mại đèn Led mà hiện tại các nhà cung ứng Trung Quốc khi nói với nhau đều nhắc đến việc chuẩn bị sang Việt Nam…. Đó là xu hướng, cần nhìn thấy làn sóng cơ hội đang ập tới. Nếu DN Việt không hành động lập tức, các đối thủ ngay tại Việt Nam hay thị trường khác sẽ chớp lấy cơ hội này.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội vẫn có các rủi ro, đó là Việt Nam cạnh tranh chi phí nhân công từ Philipines, Pakistan, Bangladesh…vì các quốc gia này có chi phí nhân công thấp hơn Việt Nam.
Cái gì cũng có vòng đời, thị trường TMĐT ở Việt Nam cũng vậy. Hiện tại là các cơ hội đang tăng lên và đạt tới đỉnh, sau đó sẽ đi xuống lúc đó sẽ khó cho DN. DN cần hiểu thời điểm hiện tại là hoàn kim để đầu tư phát triển TMĐT. DN cứ suy nghĩ TMĐT khó quá, không có kinh nghiệm, kỹ năng, lo lắng nhiều thứ….nếu lo sợ thì cơ hội vụt mất.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị
DN cần có cửa hàng “trên mặt đất” lẫn trên mạng
Vậy xu hướng TMĐT trong tương lai, ít nhất trong hai ba năm tới TMĐT như thế nào? Bà Zheng cho biết TMĐT có hai xu hướng quan trọng. Dẫn lại chia sẻ của ông chủ Alibaba-Jack Ma là TMĐT giờ đã trở thành kinh doanh truyền thống vì hiện nay đã xuất hiện khái niệm bán lẻ thời đại mới -New Retail. Những DN lớn như Apple đã áp dụng khái niệm này.
New Reail kết hợp mô hình kinh doanh offline và online để tối ưu hóa doanh thu trên thị trường. Nghĩa là DN không chỉ có một cửa hàng trên “mặt đất” hay trên TMĐT mà có cả hai. Và kết hợp hai kênh bán hàng này lại với nhau và làm sao để khách hàng nhớ và quay lại.
Xu hướng thứ hai là content marketing: Đây là hoạt động chia sẻ nhiều hình ảnh, video, bài viết online về sản phẩm trên truyền thông đa phương tiện …giúp tăng lượt truy cập mà DN không cần bỏ nhiều tiền, nhưng thu hút nhiều khách hàng trẻ, biết thương hiệu công ty nhiều hơn.
Dẫn chứng thực tế, bà Zheng đặt câu hỏi vì sao có những cửa hàng dù cùng hàng hóa, dịch vụ nhưng có nơi đông khách có nơi vắng khách mà hình ảnh này thấy rất nhiều ở Trung Quốc.
Kết quả cho thấy, cửa hàng có đông khách là do họ đang livestream ngay tại shop, mà trước đó thông qua Instagram, Wechat…thông báo cho khách hàng biết thời gian live stream, nếu khách hàng đến sẽ giảm giá… Bằng cách này, có nhiều khách hàng biết trước nên cửa hàng luôn đông khách.
Theo Hiệp hội content marketing Mỹ, hơn 91% mô hình kinh doanh online giữa DN làm content maketing, chỉ có 86% mô hình kinh doanh DN với người tiêu dùng làm content maketing.
Tại sao các công ty họ tập trung làm content marketing nhiều? Bà Zheng giải thích vì lượt truy cập của người dùng rất khó mà có được. Bên cạnh đó, người dùng bây giờ là thế hệ trẻ, theo Alibaba độ tuổi 18-34 chiếm % lớn nhất nhất lượng khách mua hàng.
Nếu DN không hiểu sở thích, hành vi của người trẻ mà dùng cách cũ giao tiếp thì không thể nào làm hài lòng được. Nếu người trẻ thấy ti vi quảng cáo sản phẩm này là tốt lắm, mại dô, mại dô họ không thích kiểu vậy, họ thích cách content marketing hơn.
DN làm gì để đáp ứng các xu hướng mới này? Đầu tiên DN cần có website, có nền tảng TMĐT online, có tài khoản mạng xã hội để làm content marketing.
Cuối cùng là cân nhắc về dịch vụ giữa cửa hàng online và offline thế nào? Ví dụ công ty tôi có sản phẩm dao, nĩa…làm bằng sứ. Chúng tôi không bao giờ đi theo khách hàng nói rằng sản phẩm của tôi bền lắm, mua đi.
Chúng tôi nói ít đi, cho khách hàng trải nghiệm nhiều. Khi khách hàng đến cửa hàng, họ cầm cái nĩa có thể quăng nó xuống đất mà nĩa không hề bể. Cái này chỉ có cửa hàng offline mới mang lại. Ngày nay DN có cửa hàng, có nhà máy…cũng chưa đủ mà phải nhớ khái niệm “New Retail”- tìm giải pháp kết nối online và offline để chớp lấy các cơ hội tiềm năng đang có.
Mở cửa hàng online ngồi chờ khách đến là thất bại
Để làm TMĐT có ba điều quan trọng. Thứ nhất là chiến lược marketing phải đặt ra đầu tiên. Nếu mở cửa hàng online xong mà đợi thì không có khách hàng đến. Kế tiếp là xây dựng kỹ năng TMĐT; thứ ba là luôn luôn tìm hiểu về người mua, khách hàng đang thay đổi nhiều, nhất là bạn trẻ cách mua chọn lựa là vô cùng khác nhau.