Cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Triều (Thanh Trì) chỉ nằm cách đường Nguyễn Xiển chưa đến một km. Ngay gần đó, nhiều chung cư cao tầng san sát mọc lên. Dù được bố trí hẳn một khu riêng biệt, có quây tường rào ngăn cách với xung quanh, nhưng cụm công nghiệp làng nghề xã Tân Triều thực sự lọt thỏm trong khu dân cư từ nhiều năm nay. Đây là kết quả của xu hướng đô thị hóa nhanh chóng thời gian gần đây.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong sáng 16/7, cụm công nghiệp hoạt động khá sôi nổi. Diện tích đất cụm công nghiệp về cơ bản đã được lấp đầy. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà xưởng. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp xây trụ sở khá to, giống với biệt thự, nhà ở hơn là xưởng sản xuất.
Nhiều nhà mặt tiền các đường nội bộ trong cụm công nghiệp đã chuyển sang kinh doanh cà phê, giải khát, cơm phở. Nhiều nhà được bài trí khá giống với nhà ở, không thấy có hoạt động sản xuất. Một chủ cửa hàng bán đồ ăn cho biết, nhà chị không phải “nhà xưởng” mà là nhà ở thời hạn sử dụng là 50 năm. Ngôi nhà khá bề thế, bên trong bài trí hợp cho một gia đình sinh sống và có khoảng gần chục bàn phục vụ khách ăn uống. Vài nhà gần đó cũng chuyển hướng sang kinh doanh cà phê, nước giải khát, cơm bụi.
Cùng chung tình trạng nhà ở xen kẽ với nhà xưởng sản xuất là cụm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức). Dọc con đường chính của cụm công nghiệp, hai bên nhà cửa san sát. Nhiều ngôi nhà xây hoành tráng, cao tầng, không có hoạt động sản xuất mà nhà phục vụ sản xuất được chuyển đổi sang nhà ở. Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân cho biết, giá giao dịch đất đai khu vực cụm công nghiệp La Phù dao động từ 60 đến 100 triệu đồng/m2.
Theo ông Tạ Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã La Phù, toàn bộ cụm công nghiệp có khoảng 300 hộ sản xuất kinh doanh, diện tích khoảng hơn 11,49 ha, tuy nhiên, hiện nay nơi đây chủ yếu được dùng làm nơi tập kết hàng hóa, kinh doanh cửa hàng. Việc sản xuất của các hộ đã di chuyển sang các khu, cụm công nghiệp ở địa phương khác như Thạch Thất, Quốc Oai. Cũng ông Thắng cho biết, cụm công nghiệp đã được hình thành từ gần 20 năm trước. Trước đây, tùy từng gia đình, hộ sản xuất thuê đất, có nhà vài ba trăm mét, có nhà chỉ rộng vài chục mét. Công tác quản lý trật tự xây dựng qua thời gian dài cũng gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, nhiều hộ cũng cải tạo, sửa chữa, có hộ vi phạm trật tự xây dựng. “Chúng tôi cũng xử lý, lập biên bản báo cáo lên huyện. Tuy nhiên, huyện vẫn chưa xử lý được dứt điểm”, ông Thắng nói và cho biết thêm, nhiều đoàn kiểm tra của các sở, ngành thành phố, huyện cũng về khảo sát, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Cụm công nghiệp hiện tại cũng không có khu xử lý nước thải.
Về hướng xử lý trong thời gian tới, ông Thắng cho biết, cụm công nghiệp đã có quy hoạch trở thành khu đất đô thị. Sau này, các cơ quan chức năng của huyện, xã sẽ rà soát để giải quyết các trường hợp chuyển đổi đất từ cụm công nghiệp thành đất đô thị.
Không riêng gì hai cụm công nghiệp nêu trên, tại quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm...nhiều khu cụm công nghiệp do quy hoạch từ nhiều năm trước; quản lý lại yếu kém nên không còn phù hợp với yêu cầu sản xuất công nghiệp, nằm đan xen trong khu dân cư, ô nhiễm môi trường... Thực tế này đang rất cần được thành phố Hà Nội xem xét giải quyết dứt điểm.