Twitter sẽ bắt đầu cấm quảng cáo hình thức huy động vốn bằng tiền ảo (ICOs), ví tiền ảo, và bán token trong hai tuần tới.
Lệnh cấm quảng cáo tiền ảo của Google sẽ có hiệu lực vào tháng 6 sắp tới.
Tác động từ Facebook và Google
Có khá nhiều lý do mà các Cty nói trên đưa ra lệnh cấm này, nhưng chủ yếu liên quan đến hoạt động lừa đảo hoặc gây hiểu nhầm dẫn đến thua lỗ của người giao dịch. Hiện tại, lệnh cấm của Facebook là rộng nhất, bao gồm tất cả các nền tảng của họ như Facebook, Audience Network, và Instagram.
Trong khi lệnh cấm của Google nhắm vào các sản phẩm tài chính không được quản lý hoặc có tính đầu cơ, trong đó tiền ảo chỉ là một yếu tố.
Còn động thái của Twitter chỉ là một trong hàng loạt những nỗ lực nhằm giảm thiểu thiệt hại cho những người giao dịch dựa trên những hoạt động quảng cáo lừa đảo.
Giới quan sát đánh giá, những chính sách cấm này, cùng với việc nhiều quốc gia đang tìm cách quản lý hoặc hạn chế tiền ảo, đang khiến cho tương lai của loại tiền tệ này trở nên bất định.
Cách ứng xử cho Việt Nam
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước liên tục đưa ra cảnh báo, với khẳng định Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, cũng như việc dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm quy định pháp luật.
"Đây là vấn đề Việt Nam nên học tập các quốc gia khác. Hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng không công nhận Bitcoin là đồng tiền", TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính cho biết và nhấn mạnh, ngay tại Nhật Bản, quốc gia này cho phép các sàn giao dịch Bitcoin hoạt hoạt động thì đồng tiền ảo này cũng chỉ được coi như một hình thức thanh toán trong một số lĩnh vực đầu tư. Các sàn giao dịch này cũng phải được đăng ký với cơ quan quản lý và các hoạt động chuyển đổi từ tiền điện tử sang tiền thật cũng chịu sự giám sát bởi một cơ quan đặc biệt.
"Thế giới siết chặt Bitcoin vì hoạt động giao dịch tại nhiều quốc gia không được quản lý, kiểm soát bởi một cơ quan quản lý nào. Do đó, các hoạt động trốn thuế, rửa tiền, chảy máu ngoại tệ hoàn toàn có thể xảy ra. Và thực tế là đã có trường hợp này", ông Thịnh nói.
Trong khi đó, ông Tatiana Moroz, sáng lập viên của Crypto Media Hub cho rằng: "Không nên ứng xử với tiền ảo theo cách không quản được thì cấm. Bitcoin hay blockchain đều là xu thế phát triển của tương lai. Thay vì cấm, các quốc gia có thể nghiên cứu sự vận động và nền tảng của Bitcoin để ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần được hướng dẫn để tận dụng nền tảng này như một công cụ hỗ trợ hơn là một cỗ máy đào tiền".