Các đại gia Việt tăng tốc phủ rộng thị trường trên khắp cả nước đồng thời tính phương án vươn ra nước ngoài để đảm bảo duy trì tốc độ phát triển mạnh mẽ như trong các năm vừa qua.
Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố mục tiêu tới cuối 2022 sẽ mở 1.200 cửa hàng điện máy siêu nhỏ với diện tích từ 120-150m2 với 4 nhân viên mỗi cửa hàng, đồng thời lấn sân sang các thị trường trong khu vực như: Philippines, Myanmar và Indonesia.
Cụ thể, Thế giới Di động đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng loại này vào cuối năm nay, 700 cửa hàng vào cuối 2021 và 1.200 cửa hàng vào cuối 2020 để mở rộng thị phần trong mảng điện máy tại Việt Nam từ mức 40% hiện tại lên tương ứng 45%, 55% và 60%.
Sở dĩ Thế giới Di động đẩy mạnh mở rộng chuỗi điện máy siêu nhỏ có thể là bởi kế hoạch bán điện thoại giá rẻ đã không thành công trong khi tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp bán lẻ điện thoại hàng đầu Việt Nam này có dấu hiệu chậm lại trong thời gian gần đây.
Đây cũng là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp lớn xác lập vị trí thống trị, gia tăng thị phần trong lĩnh vực kinh doanh của mình như trường hợp Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung, bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh Masan của ông Nguyễn Đăng Quang hay mảng phân phối tới các cửa hàng truyền thống của Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Ông Nguyễn Đức Tài. |
Gần đây, Vingroup của ông Vượng đã xây app VinShop, một ứng dụng được cho là nhằm kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa. Đây được coi là miếng bánh lớn nhất trên thị trường mà các đại gia Việt chưa khai thác được.
Những bước đi của Thế giới Di Động, PNJ hay Masan và Vingroup,... chứng tỏ các doanh nghiệp Việt đang đẩy mạnh khai phá tiềm năng của mảng bán lẻ hiện đại, thay dần cho mảng bán lẻ truyền thống, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất.
Với một thị trường lớn khoảng 94 triệu người, cùng với cơ cấu dân số trẻ và thu nhập người dân tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, bán lẻ là mảng thực sự hấp dẫn các doanh nghiệp lớn.
Theo Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, với doanh thu khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Trong khi theo Kantar Worldpanel, các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Một số thông tin ban đầu từ Thế giới Di Động cho thấy, các cửa hàng điện máy siêu nhỏ của doanh nghiệp này tại khu vực Đồng bắc sông Cửu Long có kết quả hoạt động khá tốt, với biên lợi nhuận cao hơn khá nhiều so với các cửa hàng Thế giới Di Động và Điện máy xanh hiện hữu.
Không chỉ mở rộng ở thị trường trong nước, các doanh nghiệp Việt lớn cũng có kế hoạch phát triển ra thị trường nước ngoài.
Thế giới Di động đã mở sang thị trường Campuchia và đang nghiên cứu vào các thị trường tiềm năng như Philippines, Indonesia và Myanmar,...
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã có kế hoạch bán điện thoại tại châu Âu và bán ô tô điện tại Mỹ.
Kế hoạch của các tập đoàn Việt lớn làm nhiều cổ đông cảm thấy hào hứng. Tuy nhiên, không phải tất cả kế hoạch của các doanh nghiệp lớn đều thành công, mà không ít đã thất bại trong thời gian gần đây như trường hợp chuỗi cửa hàng điện thoại giá rẻ hay như Vuivui.com, An Khang của MWG; VincomSC, VinPro, VinDS, Vinlink củaVingroup,...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 19/9, chỉ số VN-Index quay quanh ngưỡng 900 điểm.
Theo VDSC, sau chuỗi ngày tích lũy và thị trường đã có một phiên cuối tuần bứt lên khỏi vùng sideway này. Các cổ phiếu tăng giá lan tỏa rộng trên toàn thị trường. Tuy nhiên động thái tích lũy lâu và bùng nổ của thị trường sẽ ảnh hưởng đến sự chốt lời ngắn hạn. Do vậy, sẽ có áp lực cung đẩy ra thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/9, VN-Index tăng 6,91 điểm lên 900,95 điểm; HNX-Index tăng 0,73 điểm lên 129,2 điểm. Upcom-Index tăng 0,72 điểm lên 60,59 điểm. Thanh khoản đạt 7,5 nghìn tỷ đồng.
V. Hà