Năm 2019, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là điều nhiều nhà đầu tư mong chờ. FTSE Russell đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi cấp 2 từ tháng 9/2018. Như vậy, nhanh nhất đến tháng 9/2019, Việt Nam có thể được nâng hạng. Tuy nhiên, thay đổi giữa thị trường cận biên và mới nổi cấp 2 theo xếp hạng của FTSE Russell là không quá lớn.
Mục tiêu hướng đến thị trường mới nổi cấp 1 vẫn còn xa với Việt Nam khi có 3 tiêu chí chưa đạt yêu cầu và 8 tiêu chí hạn chế trong số 21 tiêu chí của FTSE Russell. Tương tự với MSCI, những yêu cầu để vào danh sách theo dõi nâng hạng lên mới nổi khắt khe hơn, chủ yếu liên quan đến yếu tố định tính.
Theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), xếp hạng thị trường do tổ chức đánh giá tự quyết định mang tính khách quan dựa trên tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Tiêu chí cứng là các yếu tố có thể định lượng được. Tiêu chí mềm là các yếu tố định tính dựa vào quan điểm của các nhà đầu tư, tổ chức phân tích và nhóm chuyên gia.
Phần quan trọng quyết định việc xếp hạng là các yếu tố định tính. Các tổ chức xếp hạng như FTSE Russell và MSCI sẽ gửi các bản khảo sát cho nhà đầu tư về đánh giá nâng hạng. Theo đại diện UBCKNN, có những ý kiến nhìn nhận thị trường Việt Nam chưa hấp dẫn ở điểm giới hạn sở hữu của khối ngoại (room ngoại), khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài và tính thuận lợi luân chuyển dòng vốn trên thị trường.
Đề tháo gỡ những vấn đề này, cần sự phối hợp của cơ quan quản lý TTCK, thị trường vốn và bộ, ngành. Bởi có những quy định riêng cho từng ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, việc thu hút và giữ chân dòng vốn ngoại còn có liên quan đến vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, dự trữ ngoại hối… Tùy từng thời kỳ mà có quy định khác nhau.
Cùng quan điểm trên, chia sẻ với NDH, bà Hoàng Việt Phương Giám đốc phân tích Khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) cho biết, room ngoại và tính minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin trên thị trường chứng khoán Việt Nam là 2 vấn đề được nhiều NĐT ngoại đặt câu hỏi.
Năm qua, việc thay đổi room ngoại tại các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán không có nhiều chuyển biến, ngược lại còn có một số thông tin khóa room, gây hoang mang cho NĐT. Mặt khác, vấn đề room cho nhà đầu tư nước ngoài còn liên quan đến tính quy mô của thị trường. Ví dụ, NĐT ngoại lớn muốn đầu tư 5-10% vốn doanh nghiệp, nhưng room ngoại của nhiều công ty không còn hoặc thấp hơn thì họ sẽ không thực hiện. Quy mô của thị trường không đủ lớn để NĐT ngoại thực hiện thì họ sẽ tiếp tục đứng ngoài. Về vấn đề thông tin, nhiều doanh nghiệp Nhà nước trên sàn UPCoM chưa cung cấp đẩy đủ cho NĐT ngoại, phần lớn báo cáo vẫn dưới dạng tiếng Việt, không có tiếng Anh.
Lên hạng trên nền tảng vững chắc
Theo Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn, cơ bản nhất của TTCK là phải đạt chuẩn của IOSCO - Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán trên thế giới. UBCKNN của Việt Nam là một trong những thành viên của tổ chức này thì phải đạt các tiêu chí. Cùng đó, cốt lõi của TTCK là sự minh bạch, đảm bảo theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Đồng thời, đảm bảo tiêu chuẩn về công bố thông tin cũng như chế độ kế toán, kiểm toán
Phó Chủ tịch UBCKNN, Phạm Hồng Sơn
Với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý phải có bản công bố bằng tiếng Anh để nhà đầu tư nước ngoài đọc và hiểu được. Ngoài ra, các tin tức khác về thị trường như: cấp phép chào bán, tin tức về các cuộc họp báo cũng cần dịch ra tiếng Anh.
Phó Chủ tịch UBCKNN nêu quan điểm, TTCK Việt Nam cần lên hạng trên nền tảng vững chắc và các doanh nghiệp lên sàn cũng phải là những đơn vị tốt. Chất lượng hàng hóa phải tốt và theo đó các công ty phải minh bạch tình hình tài chính, hoạt động và làm ăn có lãi. Đây là yếu tố quan trọng nhất giúp TTCK phát triển bền vững. Hơn nữa, sản phẩm trên thị trường cũng phải nhiều hơn để các nhà đầu tư có nhiều lựa chọn, quy mô thị trường phải lớn hơn thì các quỹ đầu tư lớn mới đầu tư.
Hiện nay, độ mở TTCK Việt Nam tương đối lớn so với các nước, trừ một số ngành nghề hạn chế nhưng cơ bản hầu hết các danh mục nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư; trong đó nhiều ngành đã nới room ngoại lên 100%. Do đó, thị trường cũng có những rủi ro nhất định. Đơn cử, nhiều công ty chứng khoán là doanh nghiệp làm nhịp cầu nối giữa thị trường và nhà đầu tư cũng đã là doanh nghiệp 100% vốn ngoại.
Ông Phạm Hồng Sơn đề cập, dù mong muốn thu hút vốn ngoại, nhưng nguồn vốn này cũng phải mang tính dài hạn, muốn vậy thị trường phải tốt để giữ chân được nhà đầu tư. Ngành chứng khoán đã có nhiều giải pháp về khung pháp lý, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng phải tốt lên, đồng thời cần thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư nước ngoài.