Đảng Cộng hòa (GOP) nhiều khả năng sẽ giành được quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ nhưng chỉ nhỉnh hơn đối thủ Dân chủ 4 ghế - theo dự báo của kênh ABC News . Trong khi đó, thượng viện thuộc về đảng nào thì còn phải chờ kết quả tại 3 bang Nevada, Arizona và Georgia.
Kết quả này không thể nói là tệ với GOP song lại quá thấp so với cả kỳ vọng của họ lẫn dự báo của các cuộc thăm dò trước bỏ phiếu.
Không có "làn sóng đỏ" nào trỗi dậy và nhân vật đang hứng chịu búa rìu chính là cựu Tổng thống Donald Trump - người sắp có "tuyên bố rất quan trọng" vào ngày 15-11 tới.
Nhiều chiến lược gia của GOP "ấm ức" cho rằng vì những ứng viên của ông Trump mà đảng này đánh mất "cơ hội lịch sử" - dân Mỹ bất mãn vì lạm phát cao kỷ lục và tỉ lệ ủng hộ thấp dành cho Tổng thống Biden lẽ ra có thể giúp GOP thắng nhanh và thắng dễ. Hãng tin AP thống kê ông Trump ủng hộ hơn 330 ứng viên và nhiều người trong đó thiếu kinh nghiệm chính trị.
Nhưng có lẽ sự kiện khiến ông Trump khó chịu nhất là chiến thắng áp đảo của Thống đốc bang Florida Ron DeSantis (tái đắc cử), bởi ông De Santis chính là đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của cựu tổng thống trên đường đua giành vị trí ứng viên tổng thống năm 2024 của nội bộ GOP.
Kiểm tra phiếu bầu giữa kỳ tại TP Phoenix, bang Arizona - Mỹ hôm 9-11 Ảnh: REUTERS
Theo kênh NBC News , nhiều cố vấn đã cản ông Trump tuyên bố tái tranh cử sớm vì sợ làm phân tán sự tập trung dành cho GOP trong bầu cử giữa kỳ.
Giờ đây, một số đồng minh tiếp tục muốn ông hoãn sự kiện 15-11 với lý do GOP phải dốc toàn lực cho cuộc đua ở bang Georgia, nơi phải bỏ phiếu vòng 2 vào tháng sau để xác định ghế thượng nghị sĩ và có thể quyết định luôn đảng nào nắm được thượng viện.
Không dừng lại ở đó, cũng theo AP , nhiều đảng viên GOP đang cho rằng đề cử ông Trump làm ứng viên tổng thống lần thứ ba liên tiếp sẽ tạo ra "ngõ cụt chính trị". "Một khi thắng đề cử, ông Trump sẽ tập trung vào trừng phạt kẻ thù thay vì tranh cử. Và thế là Đảng Dân chủ chiến thắng" - một cựu quan chức giấu tên thuộc ê-kíp tranh cử của ông Trump nhận xét với NBC News .
Bên phía Đảng Dân chủ, nhiều nhà lập pháp từng công khai mong muốn Tổng thống Biden không tái tranh cử. Họ chỉ trích Nhà Trắng phản ứng quá chậm chạp trước những lo ngại của cử tri về kinh tế.
Nhưng những phản đối này đang dịu đi sau khi báo The New York Times chỉ ra ông Biden dường như đã có kết quả bầu cử giữa kỳ tốt nhất trong các đời tổng thống Mỹ suốt 20 năm qua. Gần đây nhất, Đảng Cộng hòa mất nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, thời điểm ông Trump đang làm tổng thống.
Trước kịch bản GOP dù chỉ chiếm được thế đa số sít sao nhưng vẫn có thể ảnh hưởng rõ rệt tới 2 năm cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Biden nói dứt khoát trong cuộc họp báo ngày 9-11 (giờ địa phương) rằng ông sẵn sàng hợp tác "vì lợi ích của người dân Mỹ", song sẽ không nhượng bộ bất cứ nỗ lực nào muốn đảo chiều những thành tựu đạt được trong 2 năm qua.
"Tôi còn có cây bút phủ quyết" - ông Biden vừa nói vừa làm động tác ký tên, ám chỉ quyền phủ quyết của tổng thống đối với các dự luật mà quốc hội trình lên. Dù vậy, tổng thống Mỹ đồng thời thừa nhận: "Rõ ràng cử tri vẫn bất mãn. Tôi hiểu điều đó. Tôi biết là vài năm qua rất nhiều người dân Mỹ gặp khó khăn cực kỳ".
Kết quả trên, theo báo The Washington Post , cũng có thể thúc đẩy ông Biden nhắm đến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai - vấn đề mà ông chủ Nhà Trắng nói hôm 9-11 rằng sẽ được thông báo "vào đầu năm sau".
Nếu vị tổng thống sắp tròn 80 tuổi thực sự tái tranh cử, theo ông Jim Messina - người chỉ huy chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông Barack Obama - cho rằng việc cần làm là tập trung vào kinh tế. "Bầu cử tổng thống là cuộc đua về kinh tế, nhất là giữa thời điểm có nguy cơ suy thoái như lúc này" - ông Messina chỉ ra.
Lạm phát Mỹ giảm nhẹ
Theo Bộ Lao động Mỹ ngày 10-11, chỉ số giá tiêu dùng tại nước này trong tháng 10 đã tăng 8% so với 12 tháng trước đó và tăng 0,6% so với tháng 9 đến tháng 10 - dựa trên kết quả khảo sát của Công ty Dữ liệu FactSet. Lạm phát lõi (không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng) tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5% so với tháng 9.
Kênh CNBC cho biết lạm phát tiêu dùng tháng 10 giảm nhẹ, với một số hàng hóa bắt đầu giảm giá chút ít, song giá dịch vụ tiếp tục tăng. Với tình hình này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát thông qua tăng lãi suất. Hiện tại, FED đã tăng lãi suất 6 lần, dẫn tới lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào suy thoái.
"Chúng ta đang đi từ chỗ nóng đỏ sang sôi lăn tăn nhưng như vậy vẫn chưa đủ với FED" - nhà kinh tế trưởng Diane Swonk của Công ty Kiểm toán KPMG (Hà Lan) nói. Dù vậy, theo ông Swonk, lần tăng lãi suất tới của FED có thể là 0,5 điểm % thay vì 0,75 điểm % như những lần tăng gần đây.
Theo AP, lạm phát đã đeo bám tâm trí cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, được cho là nguyên nhân góp phần khiến Đảng Dân chủ mất ghế trong hạ viện. Trong thời gian tới, lạm phát sẽ tiếp tục gây áp lực lên hàng triệu hộ gia đình Mỹ.